Định vị thị trường
Chứng khoán Mỹ vẫn định hướng tích cực với một phiên cả S&P 500 (+2,2%) và Dow Jones (+1,2%) cùng phá kỷ lục điểm số. Trước đó, thị trường Nhật Bản cũng có một phiên phá kỷ lục thời đại.
Sắc xanh hiện diện tại hầu hết khu vực châu Á ngoại trừ thị trường Việt Nam. Các chỉ số TWSE (+0,19%), SHCMP (+0,55%), KOSPI (+0,13%), KLSE (+0,24%) đều tăng điểm nhẹ.
Nội tại thị trường Việt Nam đã xuất hiện các nhịp rung lắc nhẹ trong 2 phiên giao dịch trước và được chuyển hóa thành một nhịp giật quyết liệt hơn. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất từ đầu tháng 2/2024 của VN-Index.
Chất xúc tác
Trong 2 phiên rung lắc trước, thanh khoản đã không tăng đột biến nhưng phiên hôm nay (23/2), khớp lệnh của HOSE tăng vọt, đạt 1,32 tỷ đơn vị, mức cao nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây.
Về tín hiệu, nhà đầu tư sẽ phải đặc biệt chú ý tới những diễn biến trong các phiên giao dịch tuần tới khi thanh khoản xuất hiện chuyển động lạ.
Cùng với đó là hành động bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị ròng hơn 770 tỷ đồng trên HOSE. Trong phiên hôm qua, khối ngoại cũng rút ròng tới gần 940 tỷ đồng, qua đó có 2 phiên bán ròng mạnh nhất tính từ đầu năm.
Dù vậy, xét trên tổng quan, đóng góp 2 chiều của khối ngoại còn thu hẹp xuống dưới 7% cho thấy dòng tiền nội là bên đã hoàn toàn nắm quyền định đoạt chuyển động dòng tiền.
Vận động thị trường
Điểm khác biệt về chuyển động điểm số so với phiên trước là VN-Index chỉ bị "đạp" xuống sau 14h. Đây vẫn luôn là thời điểm mang tính nhạy cảm khiến cho nhà đầu tư khó hành động kịp thời.
Trước đó, nhóm ngân hàng với nhiều cổ phiếu như BID, MBB, TCB, VCB, CTG, STB, VPB đều hỗ trợ tích cực cho điểm số trong đó BID thậm chí còn có lúc được kéo tăng trần. Tuy nhiên, BID (+4,5%) đã không giữ được mức giá cao nhất phiên còn MBB (-0,2%), CTG (-1,4%), VPB (-1,02%), STB (-1,3%), ACB (-1,27%) lại đảo chiều giảm.
Về mặt xu hướng, BID đã lập kỷ lục giá mới trong khi CTG, MBB, ACB vẫn còn nguyên cơ hội tiếp bước BID. Tuy nhiên, do trong cả đợt sóng từ đầu năm nay vẫn chưa có nhóm ngành nào đủ thực lực để chia sẻ trách nhiệm với ngân hàng nên nhà đầu tư luôn dễ bị tổn thương.
Các cổ phiếu nhóm Vingroup vẫn bị chốt lời ngắn hạn với VIC (-5%), VRE (-3,6%), VHM (-3,3%) còn GAS (-1,9%), PLX (-2,1%), MSN (-2,1%), MWG (-2,9%) cũng đều giảm giá.
Dòng tiền nhỏ lẻ chỉ manh nha tìm đến các cổ phiếu Midcaps và Smallcaps còn bị tổn thương mạnh hơn. VNSML (-1,76%), VNMID (-2,05%) đều giảm sâu hơn so với VN30 (-1,36%).
Các nhóm ngành như khu công nghiệp, đầu tư công, hóa chất, nông nghiệp xuất hiện nhiều mã giảm trên 3% như VGC (-4,3%), LHG (-4,2%), TIP (-3,6%), KBC (-3,6%), CSV (-4,7%), LCG (-4,8%), CTD (-4,5%), CII (-4,4%), FCN (-3,7%), DCM (-4,1%), PVD (-3,2%), DBC (-5,32%).
Kể cả nhóm chứng khoán cũng không tránh được vận động chung với AGR (-3,5%), VIX (-3%), FTS (-3,7%), ORS (-2,1%), VND (-2%), BSI (-1,7%), SSI (-1,4%) giảm giá đồng loạt. Hiện nhà đầu tư đang có nhiều kỳ vọng về sóng chứng khoán khi HOSE đã xuất hiện nhiều hơn các phiên giao dịch tỷ USD.
Tổng cộng sắc đỏ đã phủ tới gần 75% số mã trên HOSE. VN-Index giảm 15,31 điểm xuống 1.212 điểm (-1,25%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn lên tới gần 32.000 tỷ đồng.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index giảm 1,25% và 0,45%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.100 tỷ đồng.