Các "ông lớn" ngân hàng lý giải nguyên nhân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng "ế"

Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank cho biết khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội xuất phát từ khả năng đáp ứng của chủ đầu tư.

Các ngân hàng cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ "ế" phần lớn là do các doanh nghiệp chưa hấp thụ được. Ảnh minh họa.
Các ngân hàng cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ "ế" phần lớn là do các doanh nghiệp chưa hấp thụ được. Ảnh minh họa.

Theo đó, tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) vừa diễn ra, đại diện các ngân hàng lớn tham gia gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho Nhà ở xã hội đã lý giải nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng ưu đãi.

bds-03-1710144527016460436785-5701.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn, các DN, nhà đầu tư BĐS đưa ra những sản phẩm có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thiết kế, thẩm mỹ và mức lợi nhuận hợp lý, hài hoà lợi ích với Nhà nước, người dân - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Cụ thể, đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, UBND TP. Hà Nội… cho biết khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

"Không phải tất cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn, vì nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai, hoặc đang sử dụng vốn tự có", ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV trao đổi.

Nhận định về tình hình chung của tín dụng cho bất động sản nói chung và nhà ở xã hội nói riêng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lĩnh vực bất động sản "luôn đi cùng" với ngành ngân hàng và liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác như sản xuất, vật tư, vật liệu xây dựng...

"Ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro mà đối với ngành bất động sản là đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ", ông Đào Minh Tú nói.

Quảng cáo

Thông tin về một số vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ, ông Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt nằm ở việc cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung, trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung-cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.

Trong khi đó, với vai trò là đối tượng thụ hưởng chính của tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, một số doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…

Giao nhiệm vụ, quy trách nhiệm cụ thể

Trước những vấn đề đặt ra của thị trường, đặc biệt là tín dụng cho bất động sản, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tổng kết thành những nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu có thể được giải quyết trong các luật sửa đổi, bổ sung về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… vừa được thông qua, từ đó nghiên cứu phương án tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản theo thẩm quyền cho phép áp dụng trước thời điểm luật có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Tổ Công tác thống kê số dự án bất động sản đã được giao đất nhưng đang vướng mắc về thủ tục pháp lý; xây dựng tiêu chí nhà đầu tư bất động sản có năng lực; tổng kết, pháp điển hoá việc thí điểm cho phép địa phương điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các dự án bất động sản nhưng không giảm các chỉ tiêu chung; mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thấp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp; hướng dẫn đầy đủ cho địa phương thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất…

"Việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương phải có địa chỉ, thời hạn cụ thể. Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, bao giờ hoàn thành", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng giao các địa phương tính toán cụ thể nhu cầu của người dân, bố trí đầy đủ quỹ đất dành cho các dự án nhà ở, cải tạo chung cư cũ, trong quá trình lập, thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn; báo cáo hoạt động của các tổ công tác của địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Đối với nguồn vốn dành cho các dự án nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khoá dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi; thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội, bảo đảm hài hoà giữa thực hiện chính sách xã hội và cơ chế thị trường.

Phó Thủ tướng mong muốn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thiết kế, thẩm mỹ và mức lợi nhuận hợp lý, hài hoà lợi ích với Nhà nước, người dân; góp phần phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Theo markettimes.vn Copy

Cùng chuyên mục Thị trường

Thị trường ngày 05/10: Dầu tăng hơn 9% trong tuần, vàng giảm, ca cao giảm 15%

Chốt phiên giao dịch ngày 04/10/2024, dầu tiếp tục tăng, chạm mức tăng hàng tuần lớn nhất trong hơn một năm do nguy cơ chiến tranh Trung Đông.Vàng giảm khi dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn thu hẹp hy vọng cắt giảm lãi suất lớn của Fed. Giá đồng tăng do dữ

Lợi nhuận toàn thị trường quý III/2024 dự báo tăng 19,5%, điểm sáng là bán lẻ và năng lượng Cổ phiếu OCB bất ngờ tăng trần trong ngày thị trường chứng khoán “rực lửa”