Chiều ngày 15/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam. Đây là hoạt động đầu tiên thuộc chuỗi các sự kiện được tổ chức nhân dịp 2 hội nghị trên.
Tại tọa đàm, phân tích về bối cảnh thế giới, chuyên gia Cấn Văn Lực đánh giá, năm 2023 có thể coi như một năm “họa vô đơn chí”, có thiên tai, dịch bệnh (tàn dư của dịch COVID-19), chiến tranh vừa cũ lại vừa mới xuất hiện trong năm vừa qua.
Bối cảnh kinh tế năm 2023 có nhiều thách thức từ các yếu tố địa chính trị, thiên tai, tuy nhiên vẫn có những diễn biến tích cực. Nổi bật nhất phải kể đến việc kinh tế Mỹ không suy thoái hay còn gọi là “hạ cánh mềm”, kinh tế châu Âu không suy thoái sâu.
Theo ông Lực, lạm phát trên thế giới dù có thời điểm ở mức cao nhưng đã hạ nhiệt rất rõ. Năm ngoái, lạm phát bình quân trên thế giới là 8,4% sang đến năm nay khoảng 5,5%, năm tới nhiều khả năng sẽ giảm tiếp về mức khoảng 3,3%, mức giảm tương đối nhanh.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ không tiếp tục tăng lãi suất và thậm chí có thể đảo chiều từ quý II/2024, đây là một tín hiệu rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của những năm tiếp theo, ông Lực nhận định.
Tuy nhiên, câu chuyện lạm phát, lãi suất, tỷ giá vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức. Tài chính, bất động sản, kinh tế thế giới còn rất nhiều rủi ro chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây từng đưa ra nhận xét kinh tế thế giới rất thú vị: kinh tế thế giới hiện nay rất “đa cực” và “phân mảnh”, đặc biệt là trong hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu. Xu thế phân mảnh này có thể làm cho tăng trưởng kinh tế thế giới giảm từ 0,3% đến 0,7% trong thập kỷ này.
Như vậy có thể thấy kinh tế thế giới sẽ còn rất nhiều biến động và rủi ro. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến nhiều xu hướng đang nổi lên như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng.
Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm vừa rồi, theo ông Lực có 4 điểm sáng vô cùng quan trọng.
Thứ nhất, Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng trên 5%, đặc biệt kinh tế từ tháng 6 cho đến giờ đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, một phần là nhờ xuất khẩu và đầu tư cả trong và ngoài nước.
Thứ hai, tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay rất ổn định, chỉ mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới quyết định nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam, triển vọng ổn định, yếu tố này chắc chắn tác động tích cực đến đầu tư, thương mại thời gian tới.
Thứ ba, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng chuyển biến rất tích cực, đặc biệt trong ngành dệt may ngành điện tử, ngành năng lượng cũng như ngành nông nghiệp đang chuyển biến rất tốt.
Điểm sáng cuối cùng, theo TS. Cấn Văn Lực, thể chế của Việt Nam đang có nhiều thay đổi tích cực, rất nhiều luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua mới đây và chuẩn bị thông qua ví như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch điện tử. Ngoài ra, theo ông Lực, cũng phải nhấn mạnh việc công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng năm vừa qua đã rất thành công.
Với nhiều điểm sáng như vậy, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khẳng định đó là nền tảng rất tốt để tạo bệ phóng cho kinh tế năm 2024.
"Năm tới kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6 đến 6,5%, lạm phát hoàn toàn trong tầm kiểm soát khoảng 3,5% đến 4%", ông Lực dự báo.