Theo một môi giới lâu năm tại thị trường bất động sản Tp.HCM, thực tế việc môi giới vào ép giá chủ nhà luôn luôn xuất hiện trên thị trường nhưng ở các mức độ khác nhau. Ngay cả khi thị trường tốt, môi giới cũng “thế vai” người mua thương lượng giá xuống. Đây cũng được xem là một trong các kỹ năng “chốt deal” của môi giới. Tuy nhiên, khi thị trường khó khăn xuất hiện một nhóm môi giới liên tục vào “hùa nhau” với người mua ép giá bên bán. Cùng với đó, môi giới đăng tin như: “Chủ cần tiền bán gấp, liên hệ ép giá nào” hay “cần người ép giá lô đất… thì liên hệ em”… là những tin rao gây phản cảm cho dù đó là “chiêu” kiếm khách của môi giới.
Theo ghi nhận, trước đây, phần lớn môi giới thuyết phục người mua với giá chủ nhà đưa ra sau khi đã qua thương lượng. Hiện nay, môi giới vin vào lúc “người mua ít, người bán nhiều” nên được đà ép giá bên bán. Nhất là vào thời điểm cận Tết tình trạng này diễn ra nhiều hơn. Môi giới thay vì hiểu rõ nguyện vọng và quyền bán của chủ nhà, “bắc cầu” cho khách có thể thương lượng được giá tốt thì gần như quay sang “ép giá” sâu nhiều lần khiến chủ nhà khó chịu.
Mới đây, anh H, sống tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM rao bán căn nhà phố riêng lẻ giá 3,5 tỉ đồng/diện tích 60m2. Giá này anh đã rao giảm 300 triệu đồng so với giá thị trường. Nếu ai thiện chí mua có thể bớt thêm 50 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi gửi một số môi giới rao bán, anh H liên tục nhận được những kèo “ép giá”. Có môi giới báo lại, một bên mua chốt giá 3 tỉ đồng sẽ cọc luôn. Theo anh H, dù đang bí dòng tiền để xử lý công việc nhưng không thể bán với mức giá như vậy được.
Tương tự, hiện một số căn nhà phố liên kế trong khu đô thị thuộc quận 9 đang được các nhà đầu tư thứ cấp rao bán với mức giảm từ 400 đến 1 tỉ đồng/căn (tuỳ căn, vị trí). Đây phần lớn là nguồn hàng do chủ nhà ngộp tài chính, giảm lời hoặc cắt lỗ để thu dòng tiền. Dù đã giảm giá nhưng môi giới nhận các sản phẩm này vẫn tìm cách để ép giá giảm thêm. Thậm chí, cùng một căn nhà, môi giới rao chênh giá khá lớn khiến bên bán hoang mang. “Có một số nhóm môi giới liên tục vào ép giá giảm xuống sâu để chính họ mua lại và bán ra sau đó cho tệp khách mua sẵn có”, một chủ nhà cho biết.
Ảnh: Hạ Vy
Khi hỏi về hệ luỵ của việc môi giới “thế vai” người mua liên tục vào “ép giá” chủ nhà, một môi giới chuyên bán nhà phố tại Tp.HCM cho biết, thực tế tình trạng này không xuất hiện quá nhiều để có thể thao túng được thị trường bất động sản. Khi môi giới ép giá thì chủ nhà “ngộp nặng” sẽ phải bán với giá ép đó. Còn chủ nhà cứng rắn sẽ không bán.
Thế nhưng, tình trạng rao tin sai, tin ẩu, hoặc “luồn cò” của một bộ phận môi giới khiến thị trường bị nhiễu loạn thông tin. Căn nào môi giới cũng rao là hàng ngộp, cần bán gấp, thậm chí môi giới tự ý ghi giá thấp hơn giá chủ nhà bán để nhằm kéo khách. Thế nhưng thực tế không phải căn nhà giá cũng giảm như tin môi giới đăng. Điều này khiến người mua nghĩ rằng giá còn giảm nữa nên liên tục vào trả giá. Hệ luỵ là giao dịch khó diễn ra do bên bán và bên mua không khớp giá.
“Giá giao dịch bao gồm giá rao bán, giá ngộp, giá thanh khoản, giá trị căn nhà, giá thương lượng, giá tham khảo xung quanh, thị trường. Trong khi tâm lý khách hàng là mua được rẻ, còn chủ nhà phải được giá mới bán. Vì thế, nếu môi giới không chú trọng vào việc rao tin đúng, mà chỉ chăm chăm vào việc ép giá phía bán cũng rất khó diễn ra giao dịch”, môi giới này cho biết.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết thêm, có một số chủ nhà cũng “ngáo” giá, nên môi giới phải vào “kéo” giá xuống mới thuận mua bán. Không ít chủ rao bán giá chênh hơn khá nhiều so với giá căn bên cạnh hoặc giá thị trường. Kì vọng giá muốn thu về khác xa so với giá rao bán, khiến việc đi đến giao dịch khó khăn. Khi người mua vào trả giá thì tỏ ra khó chịu, không muốn bán nữa.