Định vị thị trường
Các thị trường chứng khoán Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã trở lại giao dịch trong phiên ngày 3/1 và cả 3 chỉ số đều giảm điểm, trong đó KOSPI (-2,34%), TWSE (-1,65%) mất điểm khá mạnh.
Nguyên nhân có thể đến từ việc nhà đầu tư phải điều chỉnh lại kỳ vọng hạ lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), tuy nhiên cần lưu ý rằng, trong các phiên cuối năm 2023, nhiều thị trường kể trên đã giao dịch khá hưng phấn. Vì vậy, dưới góc độ của kỹ thuật, việc các thị trường này "trả điểm" là khó tránh khỏi.
Sự lệch pha giữa thị trường Việt Nam và khu vực lại vô tình giúp cho VN-Index chưa phải đón nhận thử thách mới với đường MA200. Trong phiên giao dịch hôm nay (ngày 3/1), chỉ số VN-Index thậm chí còn có mức tăng tốt nhất trong 6 phiên trở lại đây.
Chất xúc tác
Sau thông tin về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cập nhật thêm về nỗ lực giải ngân giai đoạn cuối năm. Tại cuộc họp báo tổ chức sáng nay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đã đạt 13,5%. Như vậy, trong 4 tuần cuối tháng 12/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm tới 4,35%.
Nếu quan sát trên thị trường liên ngân hàng, khoảng 3 tuần trở lại đây, vận động trên thị trường 2 cũng khá xáo trộn với lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng đột biến, có thời điểm nhảy lên gần 4%. Có thể có mối liên hệ giữa thị trường 1 và thị trường 2 khi các ngân hàng đã nỗ lực giải ngân trong giai đoạn cuối năm.
Về mặt tác động tới nền kinh tế và thị trường chứng khoán, vẫn sẽ phải có sự kiên nhẫn thay vì nôn nóng chờ đợi có những sự hiệu quả tức thì.
Thanh khoản của HOSE đã có phiên thứ 2 liên tiếp đạt khớp lệnh trên mức bình quân 20 phiên. Sau 12 phiên chỉ giao dịch khá "lẹt đẹt" dưới mức này, thì đây cũng là những tín hiệu đáng khích lệ. Đóng góp của nhà đầu tư nội chiếm gần 94%, trong khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ giữ 6,22% giao dịch 2 chiều.
Theo ghi nhận, khối ngoại đã lấy lại thói quen bán ròng với phiên rút tiền thứ 2. Họ bán ròng cả 3 sàn với tổng giá trị ròng là 235,77 tỷ đồng, trong đó HOSE bị rút ra 216 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Nhóm ngân hàng với một loạt các thông tin mới vẫn là tâm điểm của thị trường chứng khoán. STB (+2,7%), SHB (+2,7%), MBB (+1,6%), ACB (+2,2%), TCB (+1,6%), BID (+1,9%), OCB (+3%) thậm chí có phần còn thể hiện tốt hơn so với phiên ngày hôm qua.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, đầu tư công cũng có sự khẩn trương hơn sau khi Bộ Tài chính ước thanh toán đến ngày 31/12/2023 là 579.848,8 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch (đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch và đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Các cổ phiếu KSB (+7%), DHA (+3,8%), LCG (+3,4%), HHV (+3,8%), VCG (+2,9%), HT1 (+3,3%), đều thể hiện tốt hơn so với chuỗi vận động các phiên trước.
Ngoài ra, còn có các mã DGW (+6,88%), HNG (+6,97%), HVN (+6,94%) có trạng thái tăng trần, trong đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến về khả năng cho phép HVN duy trì niêm yết.
Độ rộng của HOSE đạt gần 70% mã tăng giá. VN-Index chốt phiên tăng 12,45 điểm (+1,1%) lên 1.144,17 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn cần phải được bơm vào khi tổng giá trị giao dịch chỉ dừng lại ở mức 14.708 tỷ đồng. Theo thống kê, cả sàn chỉ có đúng 2 mã giao dịch được trên 500 tỷ đồng là STB (564 tỷ đồng), HPG (512 tỷ đồng).
Với những tín hiệu khởi sắc hơn từ HOSE, HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều tăng điểm, lần lượt 0,72% và 0,25%. Tuy nhiên, xét về mặt dòng tiền, tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt chỉ khoảng 1.700 tỷ đồng là biểu hiện của tâm lý thận trọng cao độ.