Định vị thị trường
Hàng loạt ngân hàng trung ương lớn sẽ công bố quyết định về lãi suất trong tuần này, đặc biệt sự chú ý sẽ dành cho Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Chứng khoán châu Á có sự phân hóa trước thềm các chuỗi sự kiện, với Hang Seng giảm 1,71%, trong khi CSI 300 (+0,51%), TWSE (+0,67%) lại tăng điểm.
Phiên giao dịch ngày 18/9, VN-Index quay lại mất điểm với những tác nhân không mới là khối ngoại và nhóm Vingroup. Chỉ số giảm tới 1,27% xuống 1.211,81 điểm.
Chất xúc tác
Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD khiến tỷ giá trong nước vẫn chưa thể hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố sáng ngày 18/9 đã tăng nhẹ lên 24.046 VND/USD.
Hành động của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đi theo việc đồng USD có lãi suất tốt hơn so với VND. Họ đã bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng tuần trước và trong phiên đầu tuần này cũng bán ra tới gần 480 tỷ đồng.
Các mã VHM (-137,13 tỷ đồng), VRE (-45,67 tỷ đồng), SSI (-45 tỷ đồng), VPB (-42 tỷ đồng), VHM (-42 tỷ đồng), đều là những cổ phiếu lớn giữ tỷ trọng lớn của các quỹ ETFs. Việc nhóm này bị bán ra mạnh tiếp tục là bằng chứng của việc bán từ nhóm ETFs ngoại.
Đóng góp của khối ngoại ở cả chiều mua/bán vẫn đang cao hơn mức thường thấy, đạt 12,8%. Như vậy, nhà đầu tư nội đóng góp khoảng 87%.
Dù vậy, sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng vẫn đang thuận lợi cho dòng tiền nội. Theo thống kê, tuần vừa qua, có khoảng 198,51 nghìn tỷ đồng được giao dịch qua đêm, tăng 8,2% so với tuần trước. Mức lãi suất qua đêm bình quân bằng đồng VND vẫn rất rẻ, thậm chí còn giảm 0,01% xuống 0,16%.
Vận động thị trường
Thói quen của các quỹ ETFs vẫn thường chủ yếu tập trung giao dịch vào phiên chiều, dù ở chiều mua hay bán. Phiên sáng nay, dòng tiền ngoại rút ra khoảng 197 tỷ đồng, đến phiên chiều họ rút tiếp khoảng 282 tỷ đồng.
Với việc dòng tiền nội có phần buông ra, tác động từ các mã VIC (-1,12%), VRE (-2,46%), VHM (-3,07%), VPB (-1,77%) đều phản ánh vào điểm số chung. Thậm chí, nhiều mã ngân hàng khác như: BID (-2,2%), VCB (-1,1%), TCB (-2,3%), MSB (-2,4%), VIB (-2,8%), dù không gặp phải áp lực của khối ngoại còn tạo thêm áp lực.
Chỉ số VN30 và VN-Index gần như vận động rất sát nhau. VN30 giảm 1,22% còn VN-Index giảm 1,27% xuống 1.211,81 điểm.
Các nhóm cổ phiếu như bất động sản, đầu tư công, hóa chất, dầu khí, đều không thoát khỏi sự chi phối tâm lý: GEX (-4,07%), PDR (-1,72%), DGC (-1,76%), NVL (-3,97%), VCG (-2,2%), PVD (-2,02%), PVT (-0,2%).
Tất nhiên vẫn có những cổ phiếu "cựa quậy" được như chứng khoán với: SSI (+0,56%), VND (+2,29%), HCM (+0,44%); hoặc thép với: HSG (+1,87%), NKG (+0,23%).
Tuy nhiên, đây là những cổ phiếu có tính thị trường cao và phụ thuộc lớn vào dòng tiền, đặc biệt là nhóm chứng khoán. Sự hụt hẫng của thanh khoản HOSE hôm nay không thể xem là tín hiệu ủng hộ cho nhóm chứng khoán. Tổng giá trị giao dịch của HOSE đã tụt khỏi mức 20.000 tỷ đồng, đạt 19.768 tỷ đồng, tương đương 845 triệu đơn vị.
Trên HNX, SHS (-0,5%), MBS (+0,4%) đã vận động đầy thận trọng khi PVS (-2,3%) điều chỉnh ngay sau khi vừa lập kỷ lục giá mới. Chỉ số HNX-Index đóng cửa giảm 0,9% xuống 250,48 điểm. Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 1.972 tỷ đồng.
UPCoM-Index cũng giảm 0,63% xuống 93,17 điểm. Giá trị giao dịch đạt 846 tỷ đồng.