Tại lễ đánh cồng diễn ra sáng nay (ngày 2/1), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá năm 2023 là năm khó khăn chung của nền kinh tế, tăng trưởng GDP đạt hơn 5%. Dù thấp hơn chỉ tiêu đặt ra, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh nhiều thách thức, kết thúc năm 2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng hơn 12% so với cuối năm 2022. Thanh khoản trên thị trường đạt hơn 17.500 tỷ đồng/phiên.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm trước, tương đương khoảng 62% GDP năm 2022. Số tài khoản nhà đầu tư mới tăng trên 350.000 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên hơn 7,4 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số.
Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận xét: "Thị trường năm qua được quản lý, giám sát thường xuyên, an toàn, kỷ cương".
Bước sang 2024, ông Chi cho biết, nhiều dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Do vậy, các chính sách tài chính, tài khóa năm 2024 cần linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin. Theo đó, một số giải pháp trọng yếu để phát triển thị trường chứng khoán được đưa ra.
Cụ thể như việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho mục tiêu phát triển dài hạn. Đồng thời, tổ chức triển khai chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, phải đảm bảo hệ thống giao dịch, thanh toán, lưu kí bù trừ... Sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch.
Ngoài ra, cần phát triển các sản phẩm mới, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức niêm yết đăng ký giao dịch.
Chủ động theo dõi các đơn vị, nâng cao giám sát thị trường, chất lượng hàng hóa thị trường, kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, khôi phục niềm tin thị trường.
Ông Chi cũng nhấn mạnh, cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành triển khai các giải pháp liên quan hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Tiếp cận chuẩn mực quốc tế, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với thị trường thế giới", ông Chi nói. Ngoài ra, nâng cao nguồn chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo công tác thông cũng là những nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Bộ Tài chính đề cập.
Lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành chứng khoán cụ thể hóa thành chương trình hành động trong năm 2024 và tổ chức triển khai một cách hiệu quả, đảm bảo thực thi các giải pháp chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, UBCKNN tập trung hoàn thiện cơ chế, chủ động theo dõi, giám sát thị trường, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường. Đồng thời tiếp tục triển khai đẩy mạnh các giải pháp phát triển về TTCK Việt Nam nhằm sớm được nâng hạng thị trường, tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết được huy động vốn qua TTCK, gắn IPO với niêm yết, rút ngắn thời gian phát hành IPO với thời gian được niêm yết trên TTCK và chủ động công bố thông tin một đầu mối.