Định vị thị trường
Sắc đỏ xuất hiện ở hàng loạt thị trường chứng khoán châu Á. Thị trường mạnh nhất khu vực là Nhật Bản ghi nhận mức giảm nhẹ của NIKKEI 225 (-0,4%). Trong khi đó, thiệt hại lớn nhất thuộc về thị trường Trung Quốc với SHCMP (-2,09%), SZI (-2,58%), HSI (-3,71%) đồng loạt giảm sâu bất chấp số liệu tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vượt qua kỳ vọng 5% của năm 2023 đạt 5,2%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc cũng mất tới 2,47%.
Xu hướng chung đã ảnh hưởng tới vận động của VN-Index khiến chỉ số phải quay đầu giảm điểm cuối phiên. Mức giảm không đáng kể nhưng cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn có sự phòng vệ trước những biến động khó lường từ khu vực.
Chất xúc tác
Sau 2 phiên hụt thanh khoản, khớp lệnh của HOSE đã đạt khôi phục trên mức bình quân 20 phiên đạt, 694 triệu đơn vị. Dòng tiền đã có sự khởi sắc theo sau phiên giao dịch khởi sắc phiên hôm qua.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của thị trường vẫn cần phải duy trì được sự sôi động trong các phiên tới đây. Đặc biệt, sự kiện đáo hạn phái sinh sẽ diễn ra vào ngày mai (18/1) nên sẽ vẫn còn những biến số khó lường từ các cổ phiếu Bluechips khiến tâm lý của tiền nội chưa hoàn toàn được cởi trói.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp trên HOSE với giá trị ròng đạt trên 155,42 tỷ đồng. MWG (+159 tỷ đồng), HPG (+91,31 tỷ đồng), VCB (+73,42 tỷ đồng) là những cổ phiếu được khối ngoại mua vào nhiều nhất.
Vận động thị trường
Sự luân chuyển đã xuất hiện ở phiên hôm qua với nhiều nhóm ngành hồi phục khá tốt. Nổi bật nhất là nhóm thép với một số mã tăng trên 6%. Nối tiếp diễn biến này, dòng tiền đã tìm đến các cổ phiếu chứng khoán như BSI, FTS, VIX, ORS.
Tuy nhiên, tới cuối phiên, ngoại trừ BSI tăng trần, các mã khác đều khó duy trì được mức giá tốt nhất phiên. FTS (+2,7%), VIX (+2,3%), ORS (+1,8%) chỉ còn tăng quanh mức 2%.
Nguyên nhân chủ yếu đến vận động của thị trường phải chịu sự điều tiết từ khu vực và tâm lý trước ngày đáo hạn phái sinh. Lượng cổ phiếu tăng điểm của VN30 thu hẹp xuống còn 9/30 mã trong khi chỉ số này cũng đảo chiều giảm nhẹ trong phiên chiều. Trong đó, nhóm ngân hàng chỉ đóng góp 2 cổ phiếu là VCB (+1%), SSB (+0,4%) còn lại các mã MBB (0%), BID (-0,1%), VIB (-0,5%), VPB (-0,8%), TPB (-1,3%), SHB (-1,6%) đều không giữ được sắc xanh.
VN-Index vẫn đang đi theo sát chuyển động của VN30 nên cũng đảo chiều giảm cuối phiên, mất 0,59 điểm xuống 1.162,53 điểm (-0,05%). Tổng giá trị giao dịch đạt 16.726 tỷ đồng, tương đương 769,8 triệu đơn vị.
Sắc đỏ cũng thể hiện sự nhỉnh hơn với 41% mã giảm so với 40% mã tăng giá trên toàn sàn. Các cổ phiếu thép đã bật lên rất mạnh ở phiên hôm qua đồng loạt điều chỉnh với HSG (-1,3%), NKG (-0,2%), POM (-2,6%). Còn nhóm bất động sản và đầu tư công cũng đều giảm với VHM (-1,76%), DXG (-0,26%), NVL (-2,7%), TCH (-0,38%), VCG (-0,2%), HHV (-0,65%).
Tỷ lệ các mã có xu hướng tăng ngắn hạn trên sàn đã không tụt xuống 51,73% sau những diễn biến kể trên, cho thấy, thị trường vẫn còn nhiều thử thách trong việc duy trì được đà tăng.
Trên HNX và UPCoM, vận động trái chiều của 2 chỉ số HNX và UPCoM-Index sau phiên giao dịch hôm nay cũng thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. HNX-Index gần như không tăng điểm trong khi UPCoM-Index mất 0,08%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.800 tỷ đồng.