Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất của VPS, lợi nhuận trước thuế của Công ty trong năm 2023 đạt 828 tỷ đồng, vượt qua kế hoạch được đề ra 3,5%. Tính riêng trong quý IV/2023, doanh thu hoạt động của VPS tăng 12,54% so với cùng kỳ, đạt 1.589 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ, đạt 190 tỷ đồng.
Với vị thế CTCK có thị phần môi giới lớn nhất thị trường, mảng môi giới đóng góp tỷ trọng hơn 50% vào doanh thu hoạt động, đạt 807.590 tỷ đồng. So với quý III/2023, doanh thu môi giới của VPS có sự sụt giảm hơn 15% cho thấy đợt hạ nhiệt của thị trường cuối năm 2023 cũng ảnh hưởng lớn tới công ty có thị phần hàng đầu.
Đứng sau mảng mới là mảng cho vay và phải thu đạt 335,88 tỷ đồng trong quý IV/2023, giảm 18% so với quý III/2023. Dù vậy, dư nợ cho margin và ứng trước lại không giảm mà còn đạt mức kỷ lục trong quý này. Với giá trị dư nợ lên tới 11.626 tỷ đồng, VPS cũng có lần đầu tiên vượt qua cột mốc cho vay hơn 11.000 tỷ đồng.
Ngoài VPS, một số CTCK khác như VPBankS, MBS cũng ghi nhận trạng thái phá kỷ lục về cho vay margin và ứng trước quý cuối cùng của năm 2023. Cụ thể, VPBankS có lần đầu tiên vượt mốc 7.000 tỷ đồng còn MBS lần đầu tiên vượt trên 9.000 tỷ đồng. Hai CTCK này đã lần lượt bơm ra thị trường 2.500 tỷ đồng và hơn 2.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, với mảng hoạt động tự doanh của VPS, tỷ trọng trong doanh thu hoạt động cũng khá lớn nhưng thực tế lãi không đáng kể. Nếu tính cả các khoản lỗ tự doanh và chi phí cho hoạt động tự doanh, mảng này lãi 19 tỷ trong quý IV/2023 và lỗ 100 tỷ đồng cả năm.
Danh mục tự doanh của VPS tại 31/12/2023 có giá trị hơn 7.200 tỷ đồng trong đó có gần 5.000 tỷ đồng là các công cụ thị trường tiền tệ.