Cụ thể, trong quý 1/2024, mỗi m2 nhà liền thổ tại Tp.HCM đạt gần 16.300 USD, tương đương 407 triệu đồng. Mức này tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đơn vị này, giá tăng vì nguồn cung phân khúc này hạn chế. Trong báo cáo mới đây, Avison Young cũng cho thấy, phần lớn dự án nhà liền kề sơ cấp dao động 7.500-8.500 USD mỗi m2 (khoảng 188-213 triệu đồng một m2), tăng 2% so với cuối năm ngoái. Trong khi theo Savills, phần lớn nguồn cung biệt thự, nhà phố trong quý1/2024 đều trên có giá 30 tỷ đồng mỗi căn, tập trung tại thành phố Thủ Đức. Nguồn cung tiếp tục hạn chế và mức giá leo thang. Hầu hết các chủ đầu tư có rổ hàng thời điểm này đều muốn định vị sản phẩm cao cấp hơn với giá bán đi trước 2-3 năm.
Tuy nguồn cung ít, nhưng tỷ lệ hấp thụ nhà phố, biệt thự ở Tp.HCM còn khá khiêm tốn. Giá tăng cao cũng là lý do phân khúc này “kén khách” mua.
Báo cáo quý 1/2024 của DKRA Group chỉ ra, tỷ lệ hấp thụ nhà phố, biệt thự Tp.HCM đạt khoảng 20-30%. Giao dịch phát sinh trong quý 1 chủ yếu đến từ phân khúc dưới 10 tỷ đồng một căn.
Ở phân khúc này, nhiều nhà đầu tư thứ cấp vẫn giảm giá 10-15% để thoát hàng, thậm chí chấp nhận mất 30% số tiền đóng theo tiến độ vì không đủ sức gồng lãi ngân hàng.
Sức cầu của phân khúc này giảm một phần vì tỷ suất lợi nhuận trên giá vốn xuống thấp, 1-1,5% một năm. Nhiều dự án nằm xa trung tâm, dân cư ít, không thuận lợi cho kinh doanh nhưng lại có giá cao kỷ lục. Điều này khiến nhà đầu tư dễ vỡ mộng về lợi nhuận thực tế.
Dự báo về nguồn cung tương lai, JLL cho biết Tp.HCM sẽ có thêm 1.500 căn trong năm nay. Nguồn cung tương lai của phân khúc này chủ yếu đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Phần lớn nguồn cung là sản phẩm nhà phố trên 20 tỷ đồng mỗi căn. Đến năm 2026, thị trường dự kiến có thêm 4.800 căn thuộc phân khúc này.