Phiên sáng ngày 29/11, giá vàng miếng tăng cả triệu đồng/lượng. Phá đỉnh 74,4 triệu đồng năm 2022, giá vàng thiết lập đỉnh mới 74,6 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán vọt lên lên ngưỡng 1,4 triệu đồng.
Cập nhật lúc 10 giờ 20 phút hôm nay, giá vàng miếng các thương hiệu có diễn biến như sau:
Giá vàng trong nước. Nguồn: VDOS
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua bán vàng miếng SJC tại Hà Nội ở mức 73,2 - 74,42 triệu đồng/lượng, còn tại TP. Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 73,2 - 74,4 triệu đồng/lượng; cùng tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua và 900.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên trước.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 73,2 - 74,6 triệu đồng/lượng, tăng 900.000 đồng/lượng chiều mua và 1.100.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên trước. Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, thương hiệu này niêm yết ở mức 73,2 - 74,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 800.000 đồng/lượng chiều mua và 1.000.0000 đồng/lượng chiều bán so với phiên liền trước.
Tại PNJ, giá mua - bán vàng miếng SJC ở mức 73,3 - 74,5 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua và 900.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên liền trước.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng trong nước tăng nóng là do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế. Vàng thế giới tăng mạnh nhờ 3 nguyên nhân chính, cụ thể:
Thứ nhất, trong cuộc họp tháng 11, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát tín hiệu có thể không tăng lãi suất. Dự báo, tháng 12 và những tháng tiếp theo, lãi suất có thể giữ nguyên và FED có thể giảm lãi suất từ giữa năm 2024 bởi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu trì trệ. FED không tăng lãi suất, thậm chí giảm, sẽ khiến giá USD đi xuống bởi giá đồng USD và vàng luôn diễn biến trái chiều.
Thứ hai, tình hình bất ổn địa chính trị đã giúp vàng tăng giá. Xung đột giữa Nga - Ukraine đã diễn ra trong thời gian dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, gần đây lại xảy ra xung đột tại Trung Đông. Căng thẳng địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến giá dầu và nền kinh tế. Điều này đã khiến các nhà đầu tư kinh tế sẽ tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn tài sản.
Thứ ba, nhu cầu vàng tăng mạnh. Vào cuối quý IV/2023 và đầu quý I/2024, nhu cầu về vàng nữ trang và vật chất tăng cao vì rơi vào mùa cưới và mùa lễ hội ở nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… Ngoài ra, các ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng. Năm 2022, các ngân hàng trung ương mua khoảng 1.100 tấn vàng. Ba quý năm 2023, các ngân hàng trung ương đã mua khoảng 800 tấn, dự kiến đến cuối năm có thể mua tổng cộng vượt 1.000 tấn.
Giá vàng thế giới. Nguồn: Kitco
Trong khi đó, thời điểm 10h30 sáng nay (ngày 29/11, theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 2.044 USD/ounce, tăng mạnh 32 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Đây là mức giá cao nhất của kim loại quý trong vòng hơn 6 tháng qua.
Với xu hướng USD giảm, việc vàng lên đỉnh cao mọi thời đại “chỉ là vấn đề thời gian”. Thời điểm vàng đạt đỉnh mới có thể ngay cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Bên cạnh đó, nhu cầu về vàng trang sức dịp cuối năm tăng cao ở một số nước cũng hỗ trợ giá vàng. Ngoài ra, nhu cầu mua vào vàng của ngân hàng trung ương các nước cũng giúp giá kim loại quý đi lên.
Hiện, giới đầu tư vẫn chờ đợi các tín hiệu từ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong nửa đầu năm tới để xác định các xu hướng rõ ràng hơn đối với các thị trường. Yếu tố này có thể cản trở vàng bứt phá mạnh trong vài tháng tới, cho dù đây là mùa cao điểm tiêu thụ vàng.