Cuối phiên hôm qua (ngày 26/3), thị trường vàng miếng đã trải qua các nhịp rung lắc với đà giảm gần nửa triệu đồng mỗi lượng, giá vàng tại các đơn vị đồng loạt rời mốc 80 triệu đồng, dao động từ 79,6-79,9 triệu đồng. Đến phiên sáng ngày hôm nay, một số đơn vị đã điều chỉnh giá vàng miếng tăng nhẹ từ 100.000 - 300.000 đồng, riêng SJC đã lấy lại mốc 80 triệu đồng/lượng.
Cập nhật lúc 9 giờ 20 phút hôm nay, giá vàng miếng các thương hiệu được điều chỉnh như sau:
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở quanh mức 78 - 80,2 triệu đồng/lượng; tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với phiên trước.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở mức 77,75 - 79,75 triệu đồng/lượng, không đổi so với phiên liền trước.
Tại PNJ Hà Nội, giá mua - bán vàng miếng SJC ở mức 77,8 - 79,8 triệu đồng/lượng, không đổi so với phiên trước.
Thời điểm 9h20 sáng nay, (ngày 26/3, theo giờ việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 2.172 USD/ounce, tăng nhẹ 1 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua.
Giá vàng gần như đi ngang khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng và nhận xét từ các quan chức FED trong tuần này để xác nhận thêm về việc cắt giảm lãi suất do ngân hàng trung ương Mỹ báo hiệu.
Chuyên gia dự báo, các chỉ số lạm phát của Mỹ sẽ có tác động đáng kể đến thị trường vàng, bất kỳ con số PCE nào thấp hơn dự kiến sẽ khiến đồng USD yếu đi và đẩy giá vàng tăng cao và ngược lại. Bên cạnh đó, triển vọng dài hạn đối với vàng vẫn tươi sáng do kỳ vọng xoay trục chính sách trong năm nay, nhu cầu mạnh mẽ từ ngân hàng trung ương và các cuộc xung đột đang diễn ra.
TD Securities dự báo, vàng có thể dễ dàng chạm mức 2.300 USD/ounce hoặc cao hơn trong quý II/2024 khi các nhà giao dịch có thể sẽ mạnh dạn hơn khi khả năng cắt giảm lãi suất được xác nhận. Tuy nhiên, nếu dữ liệu kinh tế mạnh mẽ có thể khiến vàng giảm giá.