Theo đó, giá vàng miếng SJC tại các đơn vị kinh doanh vàng như Tập đoàn Phú Quý, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Doji giữ giá ở mức 82 - 84 triệu đồng/lượng(mua vào – bán ra), chênh lệch giữa chiều mua và bán là 2 triệu đồng mỗi lượng.
Với mặt hàng vàng nhẫn, giá vàng nhẫn 99,99 loại 1-5 chỉ tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) ghi nhận tăng 100 nghìn đồng/lượng, đưa mức giá bán ra mặt hàng này quay trở lại mốc 83 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua vào, giá giao dịch ở mức 81,6 triệu đồng/lượng.
Mức tăng tương tự được áp dụng tại Tập đoàn Phú Quý, giá vàng nhẫn Phú Quý 9999 ghi nhận ở vùng 82,2 – 83,25 triệu đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, niêm yết giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng không thay đổi khi vẫn giao dịch ở mức 82,2 – 83,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng nhẫn tròn trơn hiệu vàng Rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu cũng không biến động trong sáng nay khi mua vào ở mức giá 82,19 triệu đồng/lượng, chiều bán ra ở mức 83,14 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng thế giới hiện giao dịch quanh vùng 2.656,5 USD/ounce, giảm nhẹ 1,3 USD/ounce so với cùng thời điểm ngày hôm qua. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng thế giới hiện có giá trị 79,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 4,5 triệu đồng/lượng.
Theo Kitco, giá vàng thế giới đang giảm nhẹ do hoạt động chốt lời và thanh lý. Bên cạnh đó trước sức mạnh đồng USD, vàng tháng 12 đã giảm 18,2 USD xuống mức 2.672,30 USD/ounce.
Vàng không thể bứt phá dù căng thẳng tại Trung Đông leo thang. Iran đã ồ ạt nã hàng trăm tên lửa vào Israel.
Về lâu dài, chiến lược gia hàng hóa cấp cao Daniel Hynes của ANZ cho rằng, triển vọng về lãi suất vẫn sẽ thúc đẩy giá vàng. Theo ông, mức tăng 28% trong năm nay cũng một phần được thúc đẩy bởi chính sách nới lỏng từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).