Tại khu vực Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng hôm nay (4/4) ghi nhận ở mức 79,1 triệu đồng/lượng mua vào và 81,12 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh giảm 200.000 đồng ở cả 2 chiều.
Với thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội, giá vàng đã điều chỉnh tăng 300.000 ở chiều mua lên 78,9 triệu đồng/lượng nhưng giảm 100.000 đồng chiều bán xuống 81 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Giá vàng Vietinbank niêm yết ở mức 79,1 triệu đồng/lượng mua vào và 81,12 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 200.000 đồng ở cả 2 chiều. Vàng miếng thương hiệu PNJ đang mua vào mức 78,9 triệu đồng/lượng và bán ra mức 80,9 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng giá mua và 300.000 đồng giá bán.
Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 79 triệu đồng/lượng và 80,95 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng ở cả 2 chiều so với rạng sáng qua.
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 10h00 hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.298,2 USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 13,9 USD/ounce so với giá vàng ngày hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 69,7 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế hơn 11 triệu đồng/lượng.
Ngày mai 5/4, báo cáo việc làm tháng Ba của Mỹ sẽ được công bố , cùng với dữ liệu lạm phát mới sẽ được công bố vào tuần tới. Hai nhà hoạch định chính sách của Fed mới đây cho rằng việc cắt giảm lãi suất của Mỹ ba lần trong năm nay là "hợp lý".
Bất chấp sức mạnh của đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng, giá vàng vẫn “phi mã” và liên tiếp chinh phục các mức cao kỷ lục mới. Các chuyên gia cho rằng, những hạn chế về nguồn cung là một trong số nhiều các yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng vọt. Thời gian qua, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tích cực bổ sung vàng thỏi vào dự trữ, điều này làm giảm nguồn cung sẵn có.
Ngoài ra, việc các quỹ phòng hộ cũng tích cực nắm giữ các vị thế mua vàng tương lai càng thúc đẩy đà tăng giá. Đồng thời, giá dầu tăng cũng làm tăng nhu cầu về vàng do chi phí năng lượng cao hơn sẽ dẫn đến áp lực lạm phát tăng cao, khiến kim loại quý trở thành một hàng rào hấp dẫn chống lại lạm phát.