Định vị thị trường
Chuỗi phiên vận động trong biên độ hẹp của chứng khoán châu Á tiếp diễn trước thời điểm Mỹ công bố CPI tháng 3/2024. Các chỉ số chứng khoán như NIKKEI 225 (-0,48%), TWSE (-0,16%), KOSPI (-0,46%) đều giảm điểm nhẹ, qua đó tiếp tục dao động quanh đường xu hướng ngắn hạn.
Trong phiên hôm nay (ngày 10/4), VN-Index đã cắt đứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp nhưng tâm lý giao dịch cũng chưa đủ tích cực để tạo ra sự khác biệt trong bối cảnh chung của khu vực. Chỉ số quay đầu giảm điểm nhẹ với biên độ dưới 0,5%.
Chất xúc tác
Trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa USD và VND cao khiến áp lực tỷ giá khó triệt tiêu, nhà điều hành tiếp tục các hoạt động bơm rút trên hệ thống. Trong ngày hôm qua, có 5.952,27 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố. Còn với tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại phát hành 3.850 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất giữ ở mức 2,9%, trong khi có thêm lô 14.999,7 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Tổng cộng, NHNN bơm ròng 5.197,43 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 149.849,3 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 2.513,26 tỷ đồng.
Tác động của hoạt động bơm/rút trên khiến cho lãi suất liên ngân hàng vẫn đang neo quanh mức 4% ở nhiều kỳ hạn. Tại kỳ hạn qua đêm, lãi suất đã tăng 0,18% lên 3,86% trong khi kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần đều trên 4%.
Cùng với đó, hoạt động bán ròng mạnh của khối ngoại đã quay trở lại với giá trị rút ra trên HOSE đạt hơn 620 tỷ đồng. Nhiều mã chứng khoán như VHM (-216 tỷ đồng), NVL (-168 tỷ đồng), FUESSVFL (-86 tỷ đồng), VNM (-66 tỷ đồng) đã bị bán ra mạnh trong khi MBB (+412 tỷ đồng) lại có lực giải ngân lớn.
Đóng góp của nhà đầu tư ngoại vào giao dịch 2 chiều toàn HOSE đạt 11,5% khi dòng tiền trong nước có chiều hướng đứng ngoài hoặc giao dịch chậm lại. Theo thống kê, khớp lệnh của HOSE đạt 633 triệu đơn vị và là phiên thứ 3 liên tiếp giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên.
Vận động thị trường
Ưu tiên quan sát của nhà đầu tư trong nước đang dành cho nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng không vội tăng giá trong bối cảnh hiện tại. Ở phiên hôm qua, cổ phiếu LPB đã có diễn biến tăng kịch trần nhưng sang đến phiên hôm nay, cầu mua lên không còn giữ được sự lấn lướt. Đóng cửa phiên, LPB chỉ tăng 1,1%.
Trong khi đó, các mã khác chỉ đóng cửa trong biên độ hẹp như VPB (0%), HDB (0%), STB (-0,2%), TCB (-0,3%), ACB (-0,7%), MBB (-0,8%). Thực tế, đã có thời điểm nhiều mã tăng giá khá tốt trong đó nổi bật nhất VPB có lúc tăng tới 3% nhưng đã xuất hiện lực bán xuống để triệt tiêu đi những thành quả tăng giá.
Điều này cho thấy, ngân hàng cũng chưa thực sự sẵn sàng trở lại dẫn dắt thị trường chung. Còn với nhóm Vingroup, đà tăng của các cổ phiếu VHM (+2,3%), VIC (+1,7%), VRE (+0,2%) chưa đủ để giữ sắc xanh cho chỉ số.
VN-Index buộc phải quay đầu giảm cuối phiên, mất 4,26 điểm (-0,34%) xuống 1.258 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 16.845 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu Midcap và Penny vẫn còn thể hiện sức chịu đựng khá kém khi sắc đỏ xuất hiện trên 50% số mã trên sàn. Cá biệt, PVD (-4,22%) còn đánh mất hết thành quả tăng giá trong tuần trước. Còn các mã như DXG (-2,73%), PDR (-1,86%), CTS (-1,58%), VSC (-2,27%), DRC (-2,75%) ghi nhận mức giảm trong biên độ 2% trước áp lực bán ra để bảo vệ danh mục của nhà đầu tư.
Một số điểm sáng giao dịch vẫn xuất hiện như trường hợp của PNJ (+3,71%), BAF (+2,8%), HAG (+1,9%), QCG (+6,84%), CMG (+1,88%) tuy nhiên những hiện tượng này chỉ xảy một cách khá rời rạc và cũng không thực sự đem lại sự tự tin cho dòng tiền.
Trên HNX và UPCoM, tổng giá trị giao dịch cũng thu hẹp lại, chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng. 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index biến động trái chiều, lần lượt giảm 0,66% và tăng 0,08%.