QUYẾT TÂM VỰC DẬY THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU
Chủ đề trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã đi theo những vận động của nền kinh tế Việt Nam trong cả năm 2023. Sau những sự kiện khiến TPDN bị bán tháo trong năm 2022, dấu hỏi về các đợt đáo hạn trái phiếu đã được đặt khi có tới gần 290 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 (theo thống kê của VBMA). Ngoài ra, khả năng huy động mới từ kênh TPDN của các doanh nghiệp cũng bị nghi ngờ khi niềm tin của thị trường giảm sút.
Dù vậy, các vấn đề của thị trường TPDN trong năm 2023 đã phần nào được tháo gỡ nhờ sự quyết liệt từ Chính phủ và các doanh nghiệp phát hành.
Với Chính phủ, hàng loạt các văn bản đã được ban hành như Nghị quyết 33 tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, Thông tư 02-NHNN cho phép cơ cấu thời gian trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư 03-NHNN cho phép tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu, Nghị định 08 về kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu…
Trong đó, Nghị định 08 được xem là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ. Tại buổi tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, Nghị định 08 đã tạo khác biệt khi cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm là bất động sản hoặc tài sản khác.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, nhờ có Nghị định 08, đã có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng rất nỗ lực sử dụng các nguồn lực tài chính để chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.
Cũng theo thống kê của VBMA, đã có 162.565 tỷ đồng được các doanh nghiệp mua lại sau 11 tháng. Thậm chí, vừa qua, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã công bố đưa dư nợ TPDN về 0.
Bên cạnh nghĩa vụ trả nợ, việc tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu với chức năng là kênh dẫn vốn trong nền kinh tế cũng là nhiệm vụ bắt buộc khi lộ trình giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngân hàng đã được thiết lập.
Sự kiện Sở GDCK Hà Nội (HNX) ra mắt Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam trong tháng 7/2023 đã đánh dấu một bước tiến mới của thị trường TPDN.
Theo quy định của Thông tư 08 -NHNN, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng được giảm về 30% kể từ ngày 1/10/2023.
Ông Nguyễn Anh Phong, Tổng Giám đốc HNX cho biết đã có 760 trái phiếu của hơn 200 doanh nghiệp đăng ký. Tương ứng, khoảng 2/3 các doanh nghiệp cũng như trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung.
Quy mô giao dịch trung bình một phiên đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tổng cộng 5 tháng kể từ khi đi vào giao dịch đến nay có khoảng trên 1,2 nghìn tỷ một phiên. Qua đó, đã giúp cải thiện hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp, bổ sung nguồn vốn cho các Ngân hàng và các doanh nghiệp có nhu cầu.
Sau 2 quý đầu năm khó khăn, các đợt phát hành đã khởi sắc kể từ quý 3/2023. Tổng giá trị phát hành sau 11 tháng đã tiến gần sát mức ghi nhận trong năm 2022, đạt 247.590 tỷ đồng trong đó phát hành ra công chúng chiếm 10,9% và riêng lẻ là 89,1%.
CẦU NỐI THU HÚT NGUỒN TÀI CHÍNH TIỀM NĂNG
Khó khăn sẽ chưa thể kết thúc với thị trường TPDN bởi kênh bất động sản vẫn chưa thoát đáy trong khi khi lượng trái phiếu đáo hạn lên tới trên 300.000 tỷ đồng trong năm 2024, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Niềm tin của thị trường là yếu tố sẽ cần phải được khôi phục thể hiện qua việc thu hút nhà đầu tư tham gia trở lại.
Nếu như TPDN riêng lẻ sẽ chỉ tiếp cận được những nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực tài chính và trình độ chuyên môn về chứng khoán thì thông qua các quỹ mở, nhà đầu tư cá nhân vẫn có thể sở hữu trái phiếu nhờ mua vào chứng chỉ quỹ.
Dù đây vẫn là một hình thức đầu tư tương đối mới mẻ nhưng đã được dự báo sẽ trở thành một xu thế trong tương lai gần.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện đã có khá nhiều các quỹ mở về trái phiếu được các định chế tài chính lớn cung cấp như quỹ TCBF của Techcom Capital, quỹ Bảo Thịnh Vinacapital của VinaCapital, DCBF của Dragon Capital…
Số lượng nhà đầu tư tại 8 quỹ đầu tư trái phiếu được thống kê vào cuối tháng 11 là hơn 50.000.
Trong đó, quỹ TCBF hiện đang là quỹ trái phiếu lớn nhất thị trường với quy mô tài sản ròng đạt gần 3.000 tỷ đồng và số lượng nhà đầu tư áp đảo đạt gần 22.500.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, quỹ TCBF đã từng có quy mô tài sản ròng vượt trên 1 tỷ USD vào thời điểm tháng 5/2021 với tỷ trọng phân bổ cho trái phiếu chiếm 37,6% tài sản. Cùng với đó là số lượng nhà đầu tư lên tới gần 35.000.
Với liên tiếp 14 tháng bị rút tiền, quy mô tài sản và số lượng nhà đầu tư tại TCBF đã liên tục sụt giảm mà chưa có dấu hiệu hồi phục.
Điều này cho thấy, nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa mặn mà với sản phẩm TPDN. Nếu không sự cải thiện sớm trong thời gian tới, thị trường sẽ đánh mất một nguồn tài chính đầy tiềm năng từ các nhà đầu tư cá nhân.