Đầu tháng 6, có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động bao gồm VietinBank, TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, và Eximbank.
Cơ bản, mức lãi suất 5%/năm kỳ hạn 12 tháng đã thấy xuất hiện trên biểu lãi suất của các ngân hàng. Trong đó, HDBank, OCB và OceanBank dẫn đầu thị trường ở các kỳ hạn dài với lãi suất từ 6-6,1%/năm.
Cụ thể, HDBank trả lãi suất kỳ hạn 15 tháng là 6%/năm và kỳ hạn 18 tháng là 6,1%/năm. OceanBank đang trả 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24 tháng, và 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Với OCB, nhà băng này niêm yết lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng.
Đối với lãi suất kỳ hạn gửi 6 tháng cao nhất là tại CBBank với 5,15%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng cao nhất tại Nam A Bank là 5,1%/năm, NCB với 5,05%/năm, trong khi KienLong Bank và Bac A Bank niêm yết tại 5%/năm.
Trong nhóm Ngân hàng thương mại nhà nước, VietinBank là ngân hàng duy nhất hiện duy trì mức lãi suất 5%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng. Vietcombank, Agribank và BIDV đều đang niêm yết lãi suất huy động dưới 5%/năm ở các kỳ hạn. Thậm chí lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng tại Vietcombank và Agribank còn được niêm yết dưới 2%/năm.
Ở chiều cho vay, sang tháng 6 nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp. Trong nhóm Big4 vẫn đang áp dụng lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, vay mua nhà ở.
Đầu tiên kể đến Vietcombank, lãi suất ưu đãi từ 6%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); hoặc 6,3%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay trung – dài hạn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi khoảng 9%/năm và thay đổi 3 tháng/lần.
Đối với Agribank, lãi suất Agribank cho vay trung và dài hạn áp dụng cho các khoản giải ngân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và kinh doanh bất động sản cố định 6 tháng đầu tiên 6%/năm; cố định 12 tháng đầu tiên 6,5%/năm (tối thiểu 3 năm); cố định 24 tháng đầu tiên 7%/năm (tối thiểu 5 năm).
Còn BIDV và Vietinbank tương đương nhau tối thiểu 5%/năm trong 6 tháng đầu, thời gian vay tối thiểu 36 tháng; mức 5,5%-5,6/năm trong 12 tháng đầu áp dụng cho vay trung hạn… Hết ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính theo công thức lãi suất cho vay cơ sở cộng với biên độ 3,7%. Phí trả nợ trước hạn là 1% 2 năm đầu tiên và 3 năm tiếp theo là 0,5%.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, BVBank đang có lãi suất vay ngân hàng thấp nhất chỉ từ 5%/năm áp dụng cho các khoản vay mua, xây dựng, xây sửa nhà, biên độ sau khi hết ưu đãi là 2%/năm. Lãi suất thả nổi của BVBank dao động từ 9,5%/năm-10%/năm.
VPBank lãi suất từ 4,6%/năm cố định trong 3 tháng, 5,9%/năm cố định trong 6 tháng; 6,8%/năm cố định trong 12 tháng; 7,8%/năm cố định trong 18 tháng hoặc 9,9%/năm cố định trong 24 tháng. Biên độ 3,5%.
Còn Sacombank, lãi suất cho vay 7% cố định trong năm đầu hoặc 7,5% cố định trong 2 năm đầu cho các khoản vay mua, xây, sửa bất động sản, mua ô tô, tiêu dùng. Với khách hàng doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh lãi suất từ 6%/năm.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, diễn biến tăng của lãi suất liên ngân hàng cũng tương đồng với quyết định nâng lãi suất trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất huy huy động có phần hạn chế. Đồng thời, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của toàn hệ thống vẫn đang thấp hơn 20-46 điểm cơ bản so với đầu năm.
VDSC dự báo lãi suất huy động trên thị trường có thể tăng nhưng mức tăng sẽ hạn chế. Kịch bản thuận lợi nhất là trở lại mặt bằng vào cuối năm 2023, như vậy sẽ không quá ảnh hưởng đến triển vọng giảm lãi suất cho vay.