Tại hội thảo “Xóa sổ tín dụng đen - Bằng cách nào?” do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 30/11 tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia chỉ ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu của các công ty tài chính ở mức cao do nhiều hội nhóm trên Zalo, Facebook chỉ nhau cách bùng nợ, trốn nợ bất hợp pháp, gây ra sự méo mó trong thị trường cho vay tiêu dùng. Vấn đề này để lại hệ lụy, khiến kênh cho vay tiêu dùng chính thống gặp khó khăn.
Tại hội thảo, các chuyên gia đồng thuận, việc xóa sổ tín dụng đen là cấp thiết nhưng không phải ngày một ngày hai và cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch chỉ ra vì sao tín dụng đen còn đất sống. Thứ nhất, tín dụng chính thống đưa ra các điều kiện, chương trình, chính sách nhất định với người lao động. Trong khi đó, tín dụng đen vay không cần bất cứ thứ gì, giải ngân nhanh, chỉ cần 1 căn cước công dân hoặc quyền truy cập tài khoản mạng xã hội của người vay là được.
Theo đó, công tác quan trọng đó là cần thông tin rộng rãi cho người dân nắm được chính sách, khả năng tiếp cận vay ở các tổ chức tín dụng chính thống.
Cũng theo luật sư, khi người vay trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay cần tìm tòa án để giải quyết. Theo kinh nghiệm ở nhiều quốc gia, ở bất kỳ trường hợp nào khi quyền và nghĩa vụ không được đảm bảo thì phải đưa lên tòa án để giải quyết. Nhưng việc nộp đơn ra tòa án để được giải quyết thì thủ tục rất nhiêu khê. Theo đó, luật sư đề nghị những vụ việc đã có đầy đủ tài liệu chứng cứ thì nên giải quyết rút gọn trong vòng 5-7 ngày.
TS. Trương Thị Tuyết Minh, Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đề cập, với thực tế bùng nợ vay tiêu dùng hiện nay, chính sách cần đảm bảo sự cạnh tranh, sân chơi bình đẳng giữa tổ chức chính thức và chưa chính thức. Ví như tại Hoa Kỳ và Đức quy định cấp giấy phép cho các công ty fintech với điều kiện vốn chủ sở hữu, cổ đông... như ngân hàng.
Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, tội phạm tín dụng đen được thể hiện với 3 phương thức:
Thứ nhất, là tội phạm tín dụng đen truyền thống như quảng cáo cho vay dán ở cột điện, ở tường, trên phố.
Thứ hai, tội phạm tín dụng đen truyền thống kết hợp công nghệ với các thủ đoạn thành lập các cơ sở kinh doanh cầm đồ hoặc biến tướng, các doanh nghiệp kinh doanh tài chính. Sau đó, chúng sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng quản lý cầm đồ hoặc ứng dụng cho vay để quảng cáo, tiếp cận người vay.
Đặc biệt, gần đây đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Thứ ba, tội phạm tín dụng đen sử dụng thủ đoạn công nghệ cao hoàn toàn. Đối tượng hoạt động qua mạng xã hội hoặc tạo lập các app giả, nhái của ngân hàng, tổ chức tín dụng để dụ dỗ, mời chào vay tiền. Chúng yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, sau đó nhắn tin, đe dọa, đòi nợ. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người vay tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.
Qua đấu tranh triệt phá tội phạm tín dụng đen, cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Các đối tượng này tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng lãi lên đến trên 1.000%/năm.
Điển hình, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Hà Nội bắt, xử lý hàng ngàn đối tượng thành lập ra các công ty luật nhưng thực chất là đi đòi nợ. "Những người này gọi điện chửi bới, đe dọa giết người thân của khách vay, rồi ghép hình tung lên mạng xã hội để bôi nhọ, đe dọa cho mất việc làm. Thậm chí, có trường hợp còn mang quan tài, can xăng đến nhà, cơ quan của người vay", Thượng tá Lê Vinh Tùng chia sẻ.
Hơn nữa, tội phạm cho vay nhưng đòi nợ bố mẹ, bạn bè… của người vay. Mục đích hướng đến tài sản. Cơ quan công an xác định đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tuy nhiên, lợi dụng việc cơ quan công an trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản, một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, công ty tài chính chính thống… cố tình “chây ì” trả nợ.
Để xóa sổ tín dụng đen, Thượng tá Lê Vinh Tùng cho biết, về phía cơ quan quản lý, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục tham mưu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Bộ Thông tin và Truyền thông nên tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ, cấm hoạt động đối với các ứng dụng, website liên quan đến hoạt động tín dụng đen; có phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan theo quy định.
Cấp có thẩm quyền nên sớm xem xét sửa đổi các quy định tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự (điều 201 Bộ luật Hình sự) theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính.
Còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước khác, Thượng tá Lê Vinh Tùng cho rằng, giải pháp trước mắt là cần hoàn tất việc xác thực, làm sạch và loại bỏ sim rác, tài khoản ngân hàng ảo; xác thực thông tin các tài khoản trên không gian mạng…