Theo các chiến lược gia về kim loại quý tại Heraeus, giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi lực mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương ngay cả khi hoạt động mua vàng của Trung Quốc chậm lại.
Trong báo cáo kim loại quý mới nhất, các nhà phân tích tại Heraeus cho rằng nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Họ trích dẫn một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, phần lớn trong số 70 ngân hàng trung ương được khảo sát có ý định mua vàng trong 5 năm tới, dù chỉ 29% có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới.
Các chuyên gia cho rằng biến động lãi suất, lo ngại lạm phát và bất ổn địa chính trị là ba yếu tố chính thúc đẩy xu hướng này. Dữ liệu cho thấy, các ngân hàng trung ương mua ròng 110,5 tấn vàng trong 4 tháng đầu năm 2024, gần bằng tổng hai năm qua”.
Heraeus cũng lưu ý tới việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) – ngân hàng trung ương của nước này, vào tháng 5 đã tạm dừng mua vàng sau 18 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc PBoC tạm dừng mua vàng chưa hẳn đồng nghĩa với việc nhiều tổ chức khác, ví dụ như các quỹ đầu tư quốc gia, cũng tạm dừng mua vàng.
Ví dụ, tháng 6/2015, lượng vàng dự trữ tại PBoC tăng thêm 604 tấn là kết quả của việc vàng được tích lũy theo thời gian, sau đó chuyển về PBoC để dự trữ thay vì mua một lượng lớn trên thị trường. Do đó, có thể PBoC vẫn đang tích lũy vàng theo một các khác, Heraeus nhận định.
Các nhà phân tích dự đoán, ngay cả khi PBoC giảm tốc độ mua vàng, các ngân hàng trung ương toàn cầu dự kiến sẽ mua 273,7 tấn vàng trong năm nay. “Nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng một cách mạnh mẽ, nhu cầu về vàng vẫn rất cao trong 5 năm tới”.
Giá vàng thế giới nhanh chóng phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tuần, trở lại ngưỡng trên 2.300 USD/ounce. Chiều ngày 27/6, giá vàng thế giới trên sàn Kitco ở mức 2,315.30 - 2,316.30 USD/ounce, tăng mạnh 17,7 USD so với phiên giao dịch liền trước.
Theo Kitco News