Định vị thị trường
Biên độ của các chỉ số chứng khoán Mỹ và khu vực châu Á bị thu hẹp trước một số sự kiện như cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cùng với số liệu kinh doanh của Nvidia sắp được công bố.
Đêm qua, NASDAQ tăng nhẹ 0,06%, trong khi Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 0,51% và 0,28%.Các chỉ số chứng khoán châu Á cũng chủ yếu giao dịch thận trọng như NIKKEI 225 (+0,5%), TWSE (+0,34%), KOSPI (-0,41%).
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc quay đầu giảm mạnh hơn 1%.Như vậy, biến số thế giới gần như không thuận lợi cho thị trường Việt Nam dù 2 phiên vừa qua đã thể hiện được sự cân bằng khá tốt.
Chất xúc tác
Trong phiên hôm nay, tỷ giá trung tâm tăng nhẹ nhưng vẫn giữ dưới 24.000 VND/USD. Cụ thể, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, 1 USD sáng nay được niêm yết là 23.898 VND.
Những dao động của tỷ giá rõ ràng vẫn chưa phát thêm tín hiệu cảnh báo cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc theo dõi sát vẫn là ưu tiên của nhà đầu tư.
Ngoài ra, cần lưu ý thêm về nỗ lực hạ lãi suất huy động từ nhà điều hành. Cụ thể, Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động từ hôm nay (ngày 23/8), lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ còn 5,8%/năm. Điều này có thể làm tăng sự hấp dẫn của kênh chứng khoán trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn.
Còn với nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động rút ròng đã bước sang phiên thứ 2 liên tiếp. Quy mô bán ròng vẫn khá lớn, đạt hơn 500 tỷ đồng. Với một loạt cổ phiếu bị bán ra như HPG (-218 tỷ đồng), VPB (-114 tỷ đồng), STB (-74 tỷ đồng), SSI (-64,57 tỷ đồng), VCB (-48,86 tỷ đồng), nhiều khả năng đây là các giao dịch của nhóm ETFs.
Vận động nhóm ngành
Kết quả giao dịch tích cực của VFS trên thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua đã đem lại tâm lý khá hứng khởi từ đầu phiên giao dịch. VIC thậm chí còn tăng trần đầu phiên và khuấy động tâm lý thị trường chung khá tốt.
Tuy nhiên, nhà đầu tư thực tế lại không sẵn sàng mua các cổ phiếu với giá cao và chính VIC cũng phải hấp thụ khá nhiều lực bán chốt lời nên sang phiên chiều thị trường đã chuyển sang trạng thái điều chỉnh nhẹ.
Các cổ phiếu trong VN30 như STB, POW, VCB kết phiên giảm trên 2% cùng với đó là một loạt mã như SSI, MBB, BCM, VPB, VHM, HDB, VRE cũng giảm trên 1%. Thành quả tăng giá đầu phiên của VIC bị bào mòn gần hết, chỉ còn tăng 0,8%. Theo thống kê, cả rổ VN30 chỉ có 7/30 mã tăng giá.
Biên độ của các cổ phiếu trở nên hẹp hơn ở cả 2 chiều mua/bán. Nhóm chứng khoán đều giảm nhẹ với VND (-2,1%), BSI (-1,8%), FTS (-1,6%), CTS (-1,4%), HCM (-1,2%). HOSE đã công bố sẽ cần thêm một đợt kiểm thử vào tháng 11/2023 trước khi đưa hệ thống KRX vào vận hành cuối năm.
Ở chiều tăng, chỉ có một vài trường hợp như CKG (+6,95%), MHC (+6,8%) tăng trần, trong khi thực tế các mã này đều có thanh khoản không đáng kể. Những cổ phiếu có thanh khoản tốt và vẫn duy trì được sắc xanh như VCG (+1,73%), PDR (+1,45%), DGC (+1,97%), NVL (+1,08%) đều bị ghìm lại.
VN-Index chốt phiên giảm 0,67% xuống 1.172,56 điểm. Giá trị giao dịch sụt giảm mạnh cho thấy dòng tiền có dấu hiệu đứng ngoài quan sát, chỉ đạt 17.177 tỷ đồng, tương đương 747 triệu đơn vị.
Quy mô giao dịch và trạng thái của 2 sàn còn lại cũng phản ánh tình trạng tương tự. HNX-Index và UPCoM đều giảm lần lượt 0,66% và 0,13%. Giá trị giao dịch 2 sàn này chỉ xấp xỉ mức 2.000 tỷ đồng.