Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua, ORS cần phải tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng, trong đó huy động 2.000 tỷ đồng qua phát hành cho cổ đông hiện hữu và 2.000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, trong cả năm 2023, công ty vẫn chưa thể triển khai bất kỳ một đợt tăng vốn nào. Tại thời điểm cuối năm 2023, vốn điều lệ của ORS vẫn được giữ nguyên tại 2.000 tỷ đồng.
Chỉ tới ngày 05/01/2024, HĐQT của ORS mới chốt được thời điểm cho đợt tăng vốn đầu tiên lên 3.000 tỷ đồng. Theo đó, Công ty sẽ chào bán 100 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng là 19/01/2024.
Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 05/02 đến 04/3/2024. Thời gian nhận đăng ký mua từ ngày 05/02 đến ngày 11/3/2024.
Số tiền huy động được sử dụng để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn để thực hiện các nghiệp vụ tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành. Đồng thời, nhằm thực hiện đầu tư để phát triển quy mô hoạt động của ORS.
Với đợt tăng vốn này, quy mô vốn điều lệ của ORS sẽ theo sát một số công ty chứng khoán trên thị trường như DNSE, KIS hiện đang đều đạt trên 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán cũng đang diễn ra rất nóng. Hiện DNSE đang có đợt chào bán lần đầu (IPO) 30 triệu cổ phiếu với giá phát hành 30.000 đồng/cổ phiếu.Trong khi đó, Công ty chứng khoán ACBS đã kịp tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng trong tháng 11/2023 và vừa được ACB thông qua kế hoạch tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng. Dự kiến, ACBS sẽ triển khai kế hoạch này trong năm 2024.
Còn các Công ty chứng khoán có thị phần hàng đầu như SSI, HCM cũng đang khẩn trương tiến hành các thủ tục để tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.500 tỷ đồng và gần 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành và trả cổ tức bằng cổ phiếu.