Định vị thị trường
Thông điệp của các quan chức Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) như một sự thừa nhận cho những diễn biến gần đây của chứng khoán toàn cầu.
Theo đó, FED dự báo 3 lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm cơ bản trong năm 2024 đã thúc đẩy các thị trường chứng khoán châu Á có nhịp bứt phá mạnh mẽ. Các chỉ số mạnh nhất đã phản ứng rất nhanh chóng và quyết liệt như NIKKEI 225 (+2,03%), KOSPI (+2,41%), TWSE (+2,1%) trong khi HSI (+1,84%), STI (+1,51%) cùng tăng trên 1%.
Thị trường Việt Nam cũng hòa nhập với diễn biến khu vực nhưng kết quả tích cực của phiên hôm nay (ngày 21/3) là phiên thứ 2 phủ nhận những diễn biến tâm lý bất ổn đã xuất hiện ngay từ đầu tuần. VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất kể tháng 9/2022.
Chất xúc tác
Chuỗi phiên phát hành tín phiếu để làm hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì khi có thêm 15.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất hạ xuống mức 1,34%/năm. Qua đó, đưa lượng tín phiếu NHNN đang lưu hành trên thị trường tăng lên mức 114.998,8 tỷ đồng.
Giới chuyên môn cho rằng, trong ngắn hạn, NHNN có thể vẫn cần phải tác động vào hệ thống khi tỷ giá tự do vẫn chưa hoàn toàn ghìm lại đà tăng. Tuy nhiên, với những thông điệp phát đi từ FED, nhà quản lý có thể sẽ bớt chịu áp lực trong việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo thống kê từ Refinitiv Eikon, lãi suất liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm đã tăng 0,01% lên 0,23% sau khi có nhiều phiên quay đầu giảm.
Còn với thị trường chứng khoán trong nước, dòng tiền nội đã có sự quay lại khá ấn tượng bất chấp nhiều phiên vừa qua khối ngoại bán ròng và nhà đầu tư trong nước cũng chịu nhiều xáo trộn tâm lý. Ngoài ra, phiên hôm nay cũng đồng thời diễn ra hoạt động đáo hạn phái sinh.
Dù vậy, dấu ấn của sự kiện đáo hạn phái sinh là gần như không rõ ràng. Sau 2 phiên khớp lệnh dưới mức bình quân 20 phiên, HOSE đã có sự hồi phục mạnh về thanh khoản, đạt 1,13 tỷ đơn vị.
Thanh khoản tại các nhóm Midcap và Penny đặc biệt có sự gia tăng mạnh mẽ với việc khối lượng khớp lệnh của VNMID và VNSML đều tăng trên 60% so với ngày hôm qua, vượt qua mức bình quân 20 phiên. Đây là bằng chứng cho thấy dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đã lấy lại sự tự tin sau khi nhóm vốn hóa lớn thể hiện được nỗ lực dẫn dắt thị trường trở lại.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng gần 360 tỷ đồng trên HOSE với VNM (-202 tỷ đồng), MSN (-175 tỷ đồng), VHM (-165 tỷ đồng) đứng đầu trong top bán ròng trong khi FUEVFVND (-6 tỷ đồng) đã không chịu áp lực lớn như 3 phiên vừa qua.
Vận động thị trường
Ngoài thông tin về FED, thị trường cũng dành rất nhiều sự quan tâm với dự thảo mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép mua chứng khoán không cần ký quỹ 100%. Đây là một trong giải pháp tạm thời để gỡ nút thắt Prefunding khi các tổ chức đánh giá xem xét nâng hạng thị trường.
Ngoài ra, đây cũng là một nghiệp vụ có thể giúp tạo thêm nguồn thu cho các CTCK và các đòi hỏi sự chuẩn bị về nguồn tài chính cũng như sự chuyên nghiệp trong hoạt động.
Các cổ phiếu chứng khoán từ đầu phiên sáng nay đã có ngay những động thái hút được dòng tiền. Tới cuối phiên, một loạt cổ phiếu trên HOSE như VND (+3,6%), HCM (+1,1%), VCI (+1,5%), SSI (+1,2%) đều đóng cửa trong sắc xanh. Còn trên HNX và UPCoM là các trường hợp của SHS (+3,6%), MBS (+2,4%), AAS (+3,4%).
Nhóm cổ phiếu bất động sản với những tín hiệu đi ngược thị trường từ đầu tuần đã tiếp tục tận dụng cơ hội để tăng "đuổi". Đó là PDR (+7%), DXG (+4%), DIG (+4,3%), HBC (+4%), LDG (+3,3%), NBB (+3,2%), SCR (+2,8%) trong đó DIG và PDR lọt vào top 3 mã giao dịch cao nhất sàn với giá trị đều trên 1.000 tỷ đồng.
Được biết, PDR vừa nộp hồ sơ đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về kế hoạch phát hành 134 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Trong khi đó, nhóm khu công nghiệp cũng rục rịch lấy lại những thành quả đã bị bào mòn giai đoạn vừa qua với D2D (+6,9%), KBC (+4,9%) tăng giá mạnh mẽ, còn GVR (+1,4%), BCM (+1,1%) hỗ trợ tâm lý.
Thực tế, sự tự tin của nhà đầu tư vẫn cần phải có tác động rất mạnh của ngân hàng. VIB (+3%) tiếp tục được kéo tăng sau phiên tăng trần, TCB (+6,6%) cũng có lúc chạm giá trần trong phiên hôm nay. Các mã HDB (+5,8%), OCB (+2,8%), MBB (+2,5%), VCB (+2,1%) cũng đều có thành tích giá tích cực.
VN-Index đã phủ nhận khá thành công những nỗi lo trước đó với việc tăng 16,34 điểm lên 1.276,42 (+1,3%). Đây là mức đóng cửa cao nhất từ đầu năm 2024 cũng như từ tháng 9/2022. Tổng giá trị giao dịch sàn vượt xa mức 1 tỷ USD, đạt 29.614 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều tăng điểm, lần lượt 1,31% và 0,3%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 4.100 tỷ đồng.