Theo đó, tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng đến 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều so với phiên giao dịch trước, hiện niêm yết ở mức 82 – 85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giữa giá mua và bán vẫn được giữ ở mức 3 triệu đồng/lượng.
Tương tự với Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đơn vị này đã điều chỉnh tăng giá với mặt hàng vàng miếng SJC thêm 700 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm qua. Nâng mức giá mặt hàng này lên con số 81,7 – 84,7 triệu đồng/lượng ở lần lượt hai chiều mua vào và bán ra.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết vàng miếng SJC ở mức 82,1 – 84,7 triệu đồng/lượng, tăng 900 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và 700 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên hôm qua.
Trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng thế giới hiện giao dịch quanh vùng 2.624,7 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng thế giới hiện có giá trị 80,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 4,3 triệu đồng/lượng.
Goldman Sachs dự đoán giá kim loại quý này sẽ đạt 3.000 Usd/ounce vào tháng 12/2025 và khuyến nghị nhà đầu tư “Go For Gold” trong một báo cáo vào ngày 17/11.
Ngân hàng đầu tư này nêu bật vai trò quan trọng của vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro kinh tế, đặc biệt là bất ổn xung quanh chính sách của Mỹ sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Goldman Sachs nhấn mạnh tiềm năng của vàng trong việc bảo vệ nhà đầu tư trước các kịch bản như thuế quan thương mại leo thang theo đề xuất của ông Trump. “Thuế quan cao hơn sẽ làm giảm tăng trưởng toàn cầu và tăng sự bất ổn”, Daan Struyven, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của ngân hàng này nhận định.