Chỉ số VN30 có thể thêm mới DGC và loại BVH
Dựa trên số liệu soát xét đến ngày 30/6/2025, CTCK Rồng Việt ước tính chỉ số VN30 sẽ thêm mới cổ phiếu DGC và loại ra cổ phiếu BVH.
Cụ thể, cổ phiếu BVH được chính thức đưa vào danh mục chỉ số VN30 kể từ kỳ cơ cấu quý I/2021. Tuy nhiên, trong kỳ đánh giá lần này, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân của BVH chỉ đạt khoảng 22 tỷ đồng/ngày – thấp hơn đáng kể so với ngưỡng yêu cầu tối thiểu 30 tỷ đồng/ngày theo quy định tại Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0. VDSC nhận định đây là rủi ro chính khiến BVH có thể không đáp ứng điều kiện về thanh khoản và bị loại khỏi rổ chỉ số.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu DGC hiện đáp ứng đầy đủ các điều kiện về tư cách tham gia chỉ số, bao gồm tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) và thanh khoản. Đồng thời, xét theo tiêu chí giá trị vốn hóa, DGC nằm trong nhóm 30 cổ phiếu lớn nhất thị trường. Với các yếu tố trên, DGC được VDSC kỳ vọng sẽ chính thức thay thế BVH trong danh mục VN30 kỳ cơ cấu này.
.png)
Một điểm đáng chú ý khác là việc cổ phiếu VRE không còn bị phân loại thuộc nhóm doanh nghiệp liên quan đến Vingroup trong rổ VN30. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, Tập đoàn Vingroup (VIC) hiện chỉ sở hữu 18,37% cổ phần tại VRE – mức đủ để phân loại VRE là công ty liên kết, thay vì là công ty con như trước đây.
Theo quy tắc giới hạn tỷ trọng vốn hóa trong bộ chỉ số HOSE-Index, tỷ trọng tối đa cho một cổ phiếu đơn lẻ là 10%, trong khi nhóm các công ty liên quan (công ty mẹ – công ty con) bị giới hạn ở mức 15%. Việc VRE không còn nằm trong nhóm này giúp cổ phiếu có khả năng được tăng tỷ trọng độc lập trong chỉ số VN30, đặc biệt trong trường hợp VIC và VHM bị điều chỉnh giảm tỷ trọng.
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chính thức niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 17/1/2025. Đến nay, BSR đã đáp ứng gần như toàn bộ các tiêu chí cần thiết để được xét vào rổ VN30, gồm quy mô vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ free-float và khả năng sinh lời. Tuy nhiên, do chưa đủ điều kiện về thời gian niêm yết tối thiểu 6 tháng, BSR chưa thể được xem xét trong kỳ cơ cấu hiện tại. VDSC cho rằng nếu duy trì các yếu tố tích cực này, BSR sẽ là ứng viên sáng giá cho kỳ cơ cấu tiếp theo – dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026.
Hiện tại, trên thị trường có 4 quỹ ETF sử dụng chỉ số VN30 làm chỉ số tham chiếu, gồm DCVN30, KIMVN30, MASVN30 và BVFVN30, với tổng tài sản gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó, DCVN30 là quỹ lớn nhất, với quy mô hơn 5.900 tỷ đồng. Dù giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ tăng 10,4% từ đầu năm đến nay, DCVN30 đã bị rút ròng hơn 1.500 tỷ đồng, khiến quy mô tài sản giảm 12,15% trong nửa đầu năm 2025.
Những thay đổi trong danh mục VN30 không chỉ ảnh hưởng đến dòng vốn ETF mà còn có thể tạo ra biến động ngắn hạn đáng kể đối với các cổ phiếu liên quan trong kỳ cơ cấu tới.
VNFIN LEAD có thể loại LPB và SSB khỏi danh mục, không bổ sung cổ phiếu mới
Theo VDSC, trong kỳ cơ cấu tháng 7/2025, chỉ số VNFIN LEAD – đại diện cho nhóm cổ phiếu ngành tài chính – nhiều khả năng sẽ loại bỏ 2 cổ phiếu là LPB và SSB khỏi danh mục thành phần, trong khi không bổ sung cổ phiếu mới nào thay thế.
.png)
Dựa trên kết quả rà soát đến ngày 30/6/2025, VDSC cho biết, tỷ suất vòng quay (tỷ lệ giữa giá trị giao dịch và vốn hóa điều chỉnh theo tỷ lệ free-float) của LPB và SSB lần lượt chỉ đạt 0,071% và 0,091% – đều thấp hơn ngưỡng yêu cầu tối thiểu là 0,1% theo Quy tắc xây dựng và quản lý bộ chỉ số hiện hành. Với mức thanh khoản không đạt chuẩn này, LPB và SSB được đánh giá là có nguy cơ cao bị loại khỏi rổ chỉ số VNFIN LEAD trong kỳ cơ cấu lần này.
Dù có khả năng loại 2 mã cổ phiếu, VNFIN LEAD không được dự báo sẽ bổ sung cổ phiếu mới trong kỳ cơ cấu tháng 7 này. Điều này cho thấy tiêu chí lựa chọn thành phần chỉ số tiếp tục được áp dụng nghiêm ngặt, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vẫn đang có sự phân hóa rõ nét về thanh khoản giữa các nhóm ngành.
Hiện tại, trên thị trường chỉ có một quỹ ETF duy nhất sử dụng VNFIN LEAD làm chỉ số tham chiếu là SSIAM VNFIN LEAD. Tính đến nay, quỹ có tổng giá trị tài sản khoảng 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, quỹ này đã bị rút ròng hơn 137 tỷ đồng – tương đương mức giảm tài sản 16,8%, dù NAV vẫn ghi nhận mức tăng 11,7%.
Có thể thấy, diễn biến này phản ánh xu hướng thận trọng của dòng tiền của khối trong nửa đầu năm 2025, cũng như cho thấy các kỳ cơ cấu chỉ số tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chiến lược đầu tư của các quỹ theo chỉ số.