Định vị thị trường
Chinh phục MA200 vẫn luôn là nhiệm vụ không hề dễ dàng bởi đã có 4 lần VN-Index quay đầu từ mốc này tính từ tháng 11 cho đến nay. Trong khi đó, đây là điều mà các thị trường tốt nhất châu Á đã vượt qua trong các tuần trước. Các chỉ số như NIKKEI 225 (+0,16%), KOSPI (+0,12%), TWSE (+0,83%) đều vẫn cho thấy sức rướn khá tốt dù đã đi trước VN-Index.
Sau phiên 26/12, VN-Index đã có tổng cộng 6 phiên tăng điểm liên tiếp và đang dần áp sát MA200.
Chất xúc tác
Dù trong giai đoạn cuối năm với nhiều kỳ nghỉ lễ, khối ngoại cũng vẫn duy trì hoạt động bán ròng. Với giá trị bán ròng đạt hơn 350 tỷ đồng trên 3 sàn, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng phiên thứ 20 liên tiếp.
Trên HOSE, các mã bị khối ngoại rút ra nhiều nhất là VHM (-65,98 tỷ đồng), VND (-58,16 tỷ đồng), SSI (-56,9 tỷ đồng), VNM (-54,85 tỷ đồng), FUEVFVND (-40,94 tỷ đồng). Đóng góp vào giao dịch của khối ngoại chiếm 8,4%.
Trong khi đó, khớp lệnh của HOSE có phiên gia tăng thứ 3 liên tiếp. So với phiên đầu tuần, khớp lệnh tăng tiếp 4,55%. Điều này cho thấy, tiền nội vẫn đang bổ sung thêm vào thị trường dù tâm lý vẫn khá thận trọng.
Vận động thị trường
Chuyển động giá của các cổ phiếu bị khối ngoại bán ra nhiều nhất đều không có sự ảnh hưởng đáng kể nào. Thậm chí, VHM (+1,7%), VND (+0,69%), SSI (+0,61%), VNM (+0,15%) còn tăng giá trong khi FUEVFVND (0%) còn giữ mốc tham chiếu.
Như vậy, các mã này đều có được cầu đối ứng từ tiền nội để giúp cho hoạt động bán ròng không phản ánh xấu vào vận động của thị trường.
Trong khi đó, các cổ phiếu như HPG (+1,3%), VCB (+1,2%), SAB (+1,1%) cũng tham gia nâng đỡ chỉ số khá quyết tâm trong phiên chiều. Đáng chú ý nhất là HPG với mức khớp lệnh đã vượt qua mức bình quân 20 phiên. Trong 6 phiên gần nhất, HPG đều không ghi nhận trạng thái này.
Nhờ đó, VN-Index chỉ phải chịu một nhịp giật xuống về gần tham chiếu và lại bật lên về cuối phiên. Mức đóng cửa tiếp tục sát điểm số cao nhất phiên, đạt 1.122,25 điểm (+0,41%). Qua đó, VN-Index chỉ còn cách MA200 chưa đến 1 điểm.
Do thị trường cũng đang tiến gần hơn tới vùng nhạy cảm nên các cổ phiếu Midcap và Penny đều đang có chiều hướng chịu sự điều tiết từ Bluechips. Độ rộng của sàn cũng phản ánh khá đúng diễn biến tâm lý này với sắc xanh không hoàn toàn vượt trội, đạt 45,45% so với 37,05% mã giảm.
Biên độ tăng giá của các cổ phiếu hầu như đều khá hẹp và chỉ ghi 2 nhận trường hợp cá biệt HVN (+6,81%) và CTD (+5,62%) trong đó diễn biến tăng trần của HVN đến từ việc HOSE đã đưa cổ phiếu này ra khỏi diện cảnh báo.
Các mã cổ phiếu đã có biểu hiện tăng sớm thị trường như BMP (+0,38%), GMD (-2,05%), HAH (-1,16%) đã xuất hiện sự chững lại hoặc bị chốt lời nhẹ. Trong khi đó, các mã như HHV (+2,3%), SZC (+2,5%), DBC (+2,3%) dù có những kỳ vọng riêng nhưng cũng không thể bung sức.
Nhóm cổ phiếu thép cũng không tận dụng được việc HPG hút tiền trở lại để tăng giá mạnh. HSG (+0,7%), NKG (+0,4%) chỉ có sự cải thiện giá khá từ tốn.
Nhìn chung, thị trường vẫn đang có sự tiến lên nhưng còn khá chậm rãi. Thanh khoản vẫn cần sự gia tăng mạnh mẽ hơn thay vì quy mô giao dịch dưới 15.000 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch của HOSE cuối phiên là 14.738 tỷ đồng.
Trong khi đó, giao dịch của HNX và UPCoM tăng mạnh nhờ giao dịch thỏa thuận đột biến liên quan đến cổ phiếu SEA (755 tỷ đồng). Nếu loại đi SEA, tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt chưa đến 2.000 tỷ đồng. 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt tăng 0,79% và 0,04%.