Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 163.621 tài khoản trong tháng 3/2024, tăng hơn 50.000 tài khoản so với tháng đầu năm. Đây là số lượng tài khoản tăng thêm cao nhất trong vòng nửa năm trở lại đây kể từ tháng 9 năm ngoái.
Như vậy, sau giai đoạn sụt giảm do hoạt động rà soát và thanh lọc của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng trở lại trong 4 tháng liên tiếp vừa qua.
Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng đầu năm 2024 chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 163.524 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 97 tài khoản. Tính đến cuối tháng 3/2024, Việt Nam có hơn 7,6 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,6% dân số.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Số lượng tài khoản chứng khoán tăng trở lại trong bối cảnh thị trường tiếp tục khởi sắc dù có nhiều rung lắc. Trong tháng 3, VN-Index đã tăng 2,5% lên vùng đỉnh 18 tháng, qua đó ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp tăng điểm.
Thị trường đi lên bất chấp áp lực bán ròng rất mạnh đến từ khối ngoại. Chỉ riêng trong tháng 3, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 11.300 tỷ đồng trên HoSE. Giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm lên đến gần 13.900 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng nhưng số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng qua từng tháng. Thời điểm cuối tháng 3/2024, nhà đầu tư ngoại có tổng cộng 45.895 tài khoản chứng khoán, tăng 218 tài khoản so với thời điểm cuối năm ngoái. Về cơ cấu, tài khoản của nhà đầu tư cá nhân tăng thêm 212 tài khoản, trong khi đó số lượng tài khoản của tổ chức tăng 6 tài khoản.
Nhận định về thị trường thời gian tới, FIDT cho biết, trong ngắn hạn, thị trường đang có nhiều sự hoài nghi về đà tăng trưởng do chỉ số đã tăng một nhịp khá dài và cần một nhịp điều chỉnh ngắn hạn để dòng tiền có thể luân chuyển sang nhóm ngành khác sau khi động lực kéo thị trường từ nhóm ngân hàng đã dần hạ nhiệt. Các yếu tố về hút T-bills, tỷ giá đang ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư và kết quả GDP quý 1 đang được nhà đầu tư rất kỳ vọng tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của FIDT thì GDP chỉ phục hồi ở mức tương đối và không thực sự mạnh mẽ như nhà đầu tư kỳ vọng.
"Dòng tiền đầu tư với nhiều triển vọng trong trung hạn vẫn sẽ đổ vào thị trường, dòng tiền sợ rủi ro sẽ có kế hoạch lánh nạn, vậy nên chúng tôi cho rằng diễn biến thị trường trong tháng 4 tới sẽ có nhiều sự biến động và khó đoán định", nhóm phân tích FIDT dự báo.
Dù vậy, nhìn về câu chuyện dài hạn, bức tranh tổng quan vẫn hàm chứa nhiều câu chuyện với triển vọng tích cực. Nền kinh tế đang ghi nhận sự hồi phục ngày một rõ nét hơn khi chỉ số PMI đang tăng trở lại, xuất khẩu hay bán lẻ có xu hướng phục hồi đơn hàng đã kín đến hết quý 2/2024, trong khi đó giải ngân đầu tư công, đầu tư tư nhân đang được đốc thúc rất quyết liệt.
Các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa được thực hiện trong năm 2023 cũng dần thẩm thấu vào nền kinh tế và kích thích sự tăng trưởng trở lại của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng và niềm tin của nhà đầu tư sẽ tiếp tục được củng cố sẽ là động lực trong trung và dài hạn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.