"Thị trường sẽ điều chỉnh tiếp nhưng không nhiều"
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Nhắc lại phiên giảm ngày 8/3, có thể kể tới một số lý do như: lực bán mạnh khi thị trường đã tăng 4 tháng và đạt mức tăng hơn 250 điểm, chạm kháng cự, dấu hiệu bán kỹ thuật, hiệu ứng thứ Sáu. Trong đó quan trọng vẫn là thị trường tăng quá nhiều, dễ dẫn đến chốt lời ngắn hạn.
Tuần tới, tôi cho rằng thị trường vẫn có khả năng điều chỉnh nhưng không nhiều khi xu hướng trung hạn vẫn là tích cực.
Về dòng tiền, thanh khoản bình quân phiên đạt 30.000 tỷ đồng trong tuần trước, mức cao nhất gần 2 năm có thể coi yếu tố hỗ trợ nhưng vẫn còn xa nếu so với 2021.
Bản thân thanh khoản gia tăng, dòng tiền cải thiện thời gian qua nhờ các yếu tố như trong nước vĩ mô ổn định, nhiều chính sách kinh tế hỗ trợ. Còn các yếu tố quốc tế như kỳ vọng FED, ECB hạ lãi suất trong năm 2024, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh... cũng giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán trong nước.
Về chiến lược đầu tư tuần tới, tôi cho rằng nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền cao, không margin có ý định đầu tư trung hạn trở lên có thể tích lũy những cổ phiếu nền tảng và hạn chế đầu tư những cổ phiếu có yếu tố đầu cơ.
Còn nhà đầu tư thích lướt sóng ngắn hạn, không sử dụng margin có thể ưu tiên hàng có sẵn để lướt sóng với tỉ trọng vừa phải nhưng phải có khả năng kiểm soát rủi ro tốt. Ngoài ra, nên giữ tỉ trọng cổ phiếu chiến lược trung và dài hạn quanh 50% tổng danh mục đầu tư. Với nhà đầu tư “full margin”, “full hàng” có thể xem xét tranh thủ tái cơ cấu mỗi khi thị trường tăng điểm để giảm tỉ trọng margin.
"Kịch bản Ngân hàng giảm sâu có xác suất thấp, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt từ tháng 5"
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam
Giai đoạn vừa rồi nhóm cổ phiếu Ngân hàng đã tăng rất mạnh nên áp lực chốt lời xảy ra khó tránh khỏi. Đầu phiên sáng 08/3, nhà đầu tư đã ghi nhận tín hiệu khác thường từ cổ phiếu BID khiến tâm lý thêm lo ngại.
Đà giảm do đó đã xuất hiện ở nhiều cổ phiếu Ngân hàng khác trong giai đoạn cuối phiên, đồng thời gây áp lực lên thị trường. Đây cũng là điều trong giới đầu tư thường nhắc đến "Lên bằng gì sẽ xuống bằng chính cái đó".
Tuy nhiên, qua quan sát, tình trạng bán tháo không xảy ra khi thị trường giảm mạnh. Dòng tiền vẫn có sự phân hóa khi chuyển sang các cổ phiếu midcap tại nhóm Bán lẻ, Phân bón giúp tạo ra trạng thái đi ngược thị trường chung. Nhìn chung, thị trường không có bán tháo và với nhiều nhà đầu tư "cầm tiền", cú giảm của chỉ số còn được xem như cơ hội để tham gia thị trường.
Tất nhiên, vẫn cần phải chú ý tới kịch bản có xác xuất thấp là nhóm Ngân hàng có thể giảm mạnh hơn trong tuần tới. Dù vậy, theo tôi, nhóm cổ phiếu Ngân hàng sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn và cần thiết để các cổ phiếu này có thể tiếp tục tăng trong năm 2024.
Ngành ngân hàng vẫn đang có nhiều câu chuyện khi sắp vào mùa ĐHĐCĐ như trả cổ tức tiền mặt, các ngân hàng như VCB, BID, CTG, MBB cần phải tăng vốn sau khi tăng quy mô tài sản cùng với đó là việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém.
Trong thời gian tới, dòng tiền có thể chuyển sang các cổ phiếu Sản xuất thực phẩm, Vận tải, Bất động sản, Hóa chất, Dầu khí. VN-Index có thể sẽ không tăng đáng kể như giai đoạn trước nhưng tài khoản của nhà đầu tư có thể lãi tốt hơn. Trong giai đoạn vừa qua, thực tế, dù chỉ số tăng nhưng nhiều nhà đầu tư lại không có lãi thậm chí thua lỗ nhẹ.
Về tin đồn liên quan đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành tín phiếu, theo tôi, tác động tâm lý tới thị trường là có nhưng không nhiều. Thông tin này thực tế cũng cơ sở khi tỷ giá tự do đã vượt 25.000 VND/USD trong khi đó, chênh lệch lãi suất VND và USD chưa được thu hẹp lại so với năm ngoái.
Để can thiệp vào tỷ giá, NHNN có thể tác động vào dự trữ ngoại tệ, lãi suất hoặc kênh OMO. Tuy nhiên, NHNN sẽ không bán ra Dollar hoặc tăng lãi suất nên việc phát hành tín phiếu tương tự giai đoạn tháng 9-10 năm ngoái vẫn là công cụ khả thi để giảm tình trạng đầu cơ Dollar. Dù vậy, từ tháng 5 trở đi, tôi kỳ vọng áp lực tỷ giá có thể sẽ được giảm bớt.
Ngoài ra, việc lo ngại phát hành tín phiếu tác động tới margin thị trường chứng khoán lại không có cơ sở khi các CTCK vẫn còn dư địa margin dồi dào và đã liên tục nâng quy mô vốn điều lệ lên.
"Xu hướng tăng chưa bị phá vỡ"
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Áp lực chốt lời tăng mạnh khi chỉ số VN-INDEX chinh phục ngưỡng kháng cự 1.280 điểm “bất thành” trong phiên cuối tuần qua. Đà bán xuất phát từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn dẫn dắt đà tăng thị trường gần đây, và dần lan rộng ra toàn thị trường. Lực bán càng gia tăng về cuối phiên ngày thứ sáu và kéo chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.250 điểm. Mặc dù trải qua một phiên điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư không nên hoảng loạn mà bán tháo cổ phiếu.
Thực tế, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ khi chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch trên đường MA20. Bên cạnh đó, những lo ngại đối với tỷ giá và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã có tín hiệu lắng dịu.
Đáng chú ý, sau khi vượt vùng 24.700 đồng đổi 1 USD, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã lùi dần về vùng 24.650 đồng trong phiên cuối tuần. Do đó, tâm lý thị trường có thể sớm ổn định trở lại.
Nhà đầu tư nên thận trọng quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+/10 điểm). Nếu giữ vững được vùng này, xu hướng tăng của thị trường sẽ được bảo toàn và dòng tiền có thể luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu đã có nhịp tích lũy thời gian vừa qua như nhóm thép, chứng khoán, bất động sản và một số cổ phiếu vốn hóa vừa (mid-cap).