Tâm điểm chứng khoán: VN-Index "thủng" 1.200 điểm, nhà đầu tư đã bán tháo do FOMO

Chuyên gia cho rằng hoạt động bán tháo của nhà đầu tư tuần qua một phần đến từ tâm lý fomo bán không kiểm soát. Thị trường sẽ có sự cân bằng trở lại trong tuần mới khi không còn nhiều thông tin lớn tác động.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều thông tin tác động, hoạt động bán tháo cổ phiếu diễn ra đã khiến VN-Index chốt tuần “bốc hơi” 2,8%, xuyên thủng vùng 1.200 điểm. Thực tế nhiều cổ phiếu mất mát lớn hơn rất nhiều so với chỉ số chung.

Bước qua tuần giao dịch cuối tháng 9, đường đi của VN-Index nghiêng theo hướng nào? Liệu bức tranh kết quả kinh doanh quý III được nhận định sẽ sáng hơn có khiến tâm lý nhà đầu tư hứng khởi?

Chúng tôi ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia:

tam-diem-ck-1852.jpg
Ông Trương Hiền Phương (trái) và ông Nguyễn Thế Minh

Thị trường vẫn còn một vài phiên rung lắc trong tuần cuối cùng của tháng 9

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam

Tôi cho rằng có một số nguyên nhân khiến thị trường biến động mạnh tuần qua. Trong đó, nguyên nhân chính đến từ thông tin một công ty chứng khoán lớn tiếp tục cắt giảm margin.

Kế đến là việc nhà đầu tư lo ngại tác động từ Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như việc NHNN hút ròng thông qua phát hành tín phiếu 10.000 tỷ đồng. Về động thái hút ròng của NHNN, tôi cho rằng đây không phải là vấn đề lớn. Việc NHNN phát hành tín phiếu vì hệ thống ngân hàng thương mại đang thừa tiền, chưa phải tới mức NHNN muốn siết chính sách tiền tệ như nhà đầu tư lo lắng.

Về Thông tư 06 có nội dung không cho công ty chứng khoán (CTCK) vay tiền với mục đích để gửi tiền ở các tổ chức tín dụng (TCTD). Nhà đầu tư đang hiểu nhầm về nội dung này, họ hiểu theo hướng quy định này ảnh hướng tới CTCK.

Hiện đa phần các CTCK có vay vốn ở các ngân hàng, nghĩa là CTCK cần tiền mới vay, không có lý do gì họ vay rồi gửi lại ngân hàng. Thực tế CTCK đi vay phục vụ hoạt động cho vay margin, lãi suất cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm. Tôi cho rằng một số nhà đầu tư chưa am hiểu thông tin về thị trường tiền tệ, cộng thêm lời xúi giục nên đã bán tháo cổ phiếu.

Nguyên nhân nữa đến từ thông tin cuộc họp của FED, tuy cơ quan này không tăng lãi suất nhưng vẫn có quan điểm khá cứng rắn rằng sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 11. Điều này làm cho nhà đầu tư không hứng khởi.

Thêm nữa, hơn 1 tháng qua nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển trạng bán ròng khá mạnh, vài trăm tỷ/phiên làm cho lực cầu suy yếu. Việc bán ròng của khối ngoại làm nhà đầu tư trong nước thận trọng hơn, bán ra nhiều hơn.

Ngoài ra, thị trường đã tăng điểm trong thời gian dài đẩy P/E thị trường cao hơn kỳ vọng, ước tính 13 - 15 lần, ngưỡng không quá cao nhưng không còn quá hấp dẫn nhà đầu tư khiến họ thận trọng, hạn chế giải ngân.

Tuần cuối tháng 9, tôi cho rằng thị trường vẫn còn vài phiên rung lắc sau đó có sự hồi phục ngắn hạn, mang khuynh hướng tích lũy có tăng có giảm, mức giảm không quá sâu, lực cầu bắt đầu mua vào khi giá đã giảm đáng kể.

Quảng cáo

Thị trường chuẩn bị đón sóng kết quả kinh doanh quý III, tôi cho rằng kết quả sẽ khởi sắc hơn nhiều so với quý I và II. Tình hình xuất khẩu cải thiện tốt, các doanh nghiệp ký thêm nhiều hợp đồng mới, có những mặt hàng tăng trưởng nhiều hơn năm ngoái.

Mặt bằng chung, nền kinh tế Việt Nam hồi phục dần nhờ hưởng lợi chính sách của Chính phủ quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, các giải pháp về thị trường tiền tệ. Tôi nghĩ các giải pháp bắt đầu thẩm thấu dần vào nền kinh tế. Trong chừng mực nào đó hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, kinh doanh dần hồi phục trở lại.

Tôi tin kết quả kinh doanh quý III tốt hơn. Theo đó, kích thích nhà đầu tư quan tâm mạnh dạn giải ngân trên thị trường. Đặc biệt, thời gian qua thị trường điều chỉnh mang tính kỹ thuật, đưa cổ phiếu về vùng giá hợp lý.

Các nhóm ngành sẽ được nhà đầu tư chú ý như bất động sản khu công nghiệp, bất động sản dân dụng, chứng khoán, dầu khí, thép. Ngoài ra có thể thêm may mặc, ngân hàng…

Nhà đầu tư đã có tâm lý bán tháo không kiểm soát

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng nguyên nhân chính khiến thị trường biến động mạnh kể trong tuần qua đến từ cuộc họp của FED. Thường thì thời điểm trước hay sau cuộc họp của FED thị trường đều biến động mạnh dù thông tin là tích cực hay tiêu cực.

Thứ hai là sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Trước đó họ kỳ vọng FED sẽ sớm nới lỏng chính sách, sớm giảm lãi suất trở lại, giảm mạnh để hỗ trợ đà hồi phục kinh tế. Nhưng FED lại đưa ra thông điệp khả năng chỉ giảm lãi suất 2 lần khiến nhà đầu tư thất vọng. Bởi nhiều khả năng việc giảm ít sẽ không giúp cho đà hồi phục kinh tế trở lại, thậm chí theo chiều hướng xấu.

Ngoài ra tâm lý nhà đầu tư lo ngại trước động thái bán ròng của khối ngoại thời gian qua.

Thêm nữa, sau cuộc họp của FED, đồng USD tăng lên khiến áp lực tỷ giá lại tăng lên. Điều này là một phần nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cũng như khiến cho tâm lý nhà đầu tư thận trọng khi tỷ giá nóng trở lại. Việc áp lực tỷ giá tăng lên khiến NHNN không có nhiều dư địa để nới chính sách tiền tệ khi đã giảm 4 lần lãi suất (nhưng cũng chưa khiến lãi suất cho vay giảm mạnh).

Tôi nhận thấy, áp lực động thái bán tháo tuần rồi đa phần nhà đầu tư đang theo trào lưu bán tháo fomo khi chưa biết rằng thông tin đó là như thế nào, tác động tốt hay xấu.

Ví dụ, thông tin NHNN phát hành tín phiếu 10.000 tỷ nhưng nhiều người đã cảm giác có vẻ NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ lại. Như vậy là chưa đúng. Hoạt động OMO thông thường của NHNN lên tới vài trăm ngàn tỷ mà mới có một phiên 10.000 tỷ đã phản ứng xem đó là lý do thị trường giảm và cho rằng NHNN hút tiền về.

Tôi cho rằng nhà đầu tư đã có tâm lý bán tháo không kiểm soát. Cuối tuần là dịp nhà đầu tư nhìn nhận lại, tâm lý sẽ ổn định trong tuần mới. Tôi nghiêng theo kịch bản thị trường sẽ hồi phục, sau khi VN-Index đã xuyên thủng mốc 1.200 điểm. Thị trường có thể sẽ lấy lại được vùng 1.200 điểm, thậm chí có thể trở lại 1.215 - 1.216 điểm.

Thị trường sẽ được hỗ trợ từ kỳ vọng thông tin kết quả kinh doanh quý III. Tôi cho rằng có phần khả quan hơn quý I và II cũng như quý III năm trước do nền thấp. Kỳ vọng quý III và IV nhóm sản xuất khả quan vì lượng tồn kho của các nước lớn như Mỹ, châu Âu có dấu hiệu giảm từ giai đoạn tháng 7. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh sản xuất trở lại, xuất khẩu những đơn hàng mới. Ngoài ra còn có nhóm chứng khoán với thanh khoản gia tăng.

Lãi suất giảm cũng giúp cho nhiều ngành nghề tiết giảm chi phí lãi vay. Tóm lại, tôi cho rằng bức tranh kết quả kinh doanh quý III sẽ khả quan hơn nhưng chưa thực sự tích cực nhiều, chưa hồi phục mạnh.

Theo Theo tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ Copy

Cùng chuyên mục Thị trường

Thị trường ngày 05/10: Dầu tăng hơn 9% trong tuần, vàng giảm, ca cao giảm 15%

Chốt phiên giao dịch ngày 04/10/2024, dầu tiếp tục tăng, chạm mức tăng hàng tuần lớn nhất trong hơn một năm do nguy cơ chiến tranh Trung Đông.Vàng giảm khi dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn thu hẹp hy vọng cắt giảm lãi suất lớn của Fed. Giá đồng tăng do dữ

Lợi nhuận toàn thị trường quý III/2024 dự báo tăng 19,5%, điểm sáng là bán lẻ và năng lượng Cổ phiếu OCB bất ngờ tăng trần trong ngày thị trường chứng khoán “rực lửa”