Định vị thị trường
Vận động của chứng khoán châu Á không quá nổi bật. Các chỉ số hầu hết dao động trong biên độ hẹp như NIKKEI 225 (+0,18%), SHCMP (+0,16%), KOSPI (+0,09%), dù nhà đầu tư vẫn thể hiện tâm lý thận trọng về chính sách lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, VN-Index với những diễn biến thái quá của nhà đầu tư trong nước đã đi qua 4 phiên giảm tổng cộng gần 90 điểm. Chỉ số VN-Index cuối cùng đã có phản ứng hồi phục, với mức tăng tốt hơn các chỉ số khu vực trong phiên giao dịch ngày 27/9.
Chất xúc tác
Không ngoài dự đoán của giới chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục có thêm đợt phát hành tín phiếu. Phiên hôm qua, đã có thêm 20.000 tỷ đồng tín phiếu lãi suất 0,58% được phát hành cho 9/11 ngân hàng tham gia đấu thầu. Tổng cộng cho đến phiên hôm nay, đã có 50.000 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước rút khỏi liên ngân hàng thông qua tín phiếu.
Tác động của nhà điều hành vẫn chưa hoàn toàn làm hạ nhiệt tỷ giá. Theo công bố, tỷ giá trung tâm sáng 27/9 vẫn tăng thêm 4 đồng lên 24.088 VND/USD.
Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại tiếp tục thể hiện sự quan tâm với thị trường chứng khoán Việt Nam bất chấp trạng thái tỷ giá. Họ mua ròng 335 tỷ đồng trên HOSE, 20 tỷ đồng trên HNX và 51 tỷ đồng trên UPCoM. Tổng giá trị giải ngân trên 3 sàn đạt trên 400 tỷ đồng, đồng thời là phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp.
Đóng góp của khối ngoại có sự nhảy vọt lên gần 15% giá trị giao dịch HOSE, nguyên nhân do tiền nội có sự tham gia thận trọng hơn. Tổng giá trị giao dịch của sàn HOSE đã tụt mạnh xuống dưới mức 20.000 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Sự thận trọng của nhà đầu tư trong nước có lý do khá chính đáng, bởi các cổ phiếu Bluechips đã "đạp" chỉ số giảm trong chiều qua. Trong khi đó, áp lực giải chấp từ hậu quả của các phiên giảm trước vẫn là một ẩn số, bởi người mua sẽ chỉ sẵn sàng tham gia sau khi các vị thế thua lỗ do dùng margin được xử lý hết.
Vận động của VN-Index trong phiên sáng nay là rất căng thẳng, có thời điểm chỉ số đã giảm 11 điểm khiến nhiều nhà đầu tư cầm cổ phiếu lo lắng hơn.
Tuy nhiên, rốt cuộc, đã không xuất hiện một nhịp giảm sâu nào. Khung thời gian từ 10-11h, VN-Index chỉ giảm điểm nhẹ và từ 14h là nỗ lực kéo điểm trở lại. Đây đều là những thời điểm thị trường dễ xảy ra các đợt bán giải chấp trong quá khứ.
Các mã SSI (+6,8%), GVR (+4,7%), MSN (+4,1%) đã hồi phục lại mạnh nhất trong rổ VN30. Còn các mã ngân hàng như: SHB (+2,8%), VPB (+2,7%), CTG (+2,3%), VIB (+1,6%), MBB (+1,4%), STB (+1,4%), cũng đều đóng góp vào nỗ lực chung. 2 cổ phiếu lớn thường xuyên là "tội đồ" của thị trường là VHM (+0,2%), VIC (+0,4%), cũng đều có được sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu Midcap và Penny có sự chuyển biến rất nhanh. PC1 (+6,99%), GEX (+6,77%), PDR (+6,83%), FTS (+6,91%), HDC (+6,9%), CTS (+6,9%) đều tăng trần trong khi một loạt các mã khác cũng tăng trên 2% như: CII, LCG, PVT, DCM, DIG…
Tổng cộng, độ rộng sàn HOSE có 54,23% mã tăng giá. So với các phiên trước, độ rộng thị trường đã dần tích cực hơn. Tuy nhiên, tâm lý vẫn cần thời gian để ổn định và rũ bỏ áp lực bán từ nhóm muốn cắt lỗ khi thị trường bật lên.
VN-Index dù tăng điểm nhưng vẫn đang ở ngay dưới đường MA100. Cùng với đó là quy mô giao dịch cũng đang bị hụt đi đáng kể. So với khớp lệnh bình quân 20 phiên, phiên hôm nay đã bị hụt hơn 20%.
Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 1,4% lên 1.153,85 điểm, tổng khối lượng giao dịch của sàn đạt 18.193 tỷ đồng. Trong khi đó, HNX-Index tăng tới 2,65%, còn UPCoM-Index tăng 0,34%. Giá trị giao dịch 2 sàn gộp lại đạt hơn 3.000 tỷ đồng.