Định vị thị trường
Hầu hết các thị trường châu Á đều giảm điểm trong phiên 30/1. Chứng khoán Trung Quốc chưa cho thấy khả năng tạo ra được xu hướng tăng khi các phiên giảm sâu lại xuất hiện triệt tiêu đi thành quả của các phiên giao dịch tuần trước. SHCMP (-1,83%), HSI (-2,43%), SZI (-2,4%) có phiên giảm quanh 2%. Hiện các thông tin về phá sản Evergrande đang tác động tới vận động của chứng khoán Trung Quốc.
Trong khi đó, các thị trường còn lại ít chịu tác động hơn. SET (-0,37%), TWSE (-0,47%), KLSE (-0,19%), KOSPI (-0,07%) giảm không nhiều còn thị trường mạnh nhất khu vực là Nhật Bản vẫn duy trì xu hướng tăng ngắn hạn sau phiên tăng 0,11% của NIKKEI 225.
VN-Index vẫn có một phiên tăng điểm với biên độ hẹp nhưng khác biệt là sự luân chuyển sang các cổ phiếu Midcap và Penny. Điều này đã giúp cho các chỉ số VNMID và VNSML vượt trội hơn so với VN-Index.
Chất xúc tác
Về mặt khớp lệnh, HOSE vẫn có sự cải thiện nhưng chỉ hơn 2% so với phiên hôm qua. Mức bình quân 20 phiên vẫn là trở ngại rất khó vượt qua khi dòng tiền nội giảm bớt sự quan tâm với thị trường.
Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại cũng đang mua bán khá thất thường. Kể từ phiên 25/01 cho đến hôm nay, khối ngoại đang hình thành thói quen mua/bán đan xen. Phiên hôm qua, họ đã bán 139 tỷ đồng trên HOSE thì hôm nay lại quay lại mua ròng khoảng 130 tỷ đồng.
Đóng góp 2 chiều của khối ngoại thậm chí có gia tăng thêm so với các phiên trước đạt 11,5%. Điều này sẽ càng khiến vận động của thị trường dễ bị nhiễu hơn khi tiền nội giảm bớt ảnh hưởng.
Vận động thị trường
Với lượng thanh khoản thấp như trên, nếu tiếp tục thể hiện như các phiên vừa qua, thị trường sẽ rơi vào trạng thái nhạt nhòa, thả trôi tâm lý cho đến khi dừng giao dịch kỳ nghỉ Tết.
Diễn biến này dù không hề mong muốn nhưng vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các cổ phiếu Midcap và Penny phiên hôm nay 30/1 đã ngăn chặn kịch bản này.
Nhóm Khu công nghiệp với các mã BCM (+5,15%), IJC (+4,83%), LHG (+3,3%), GVR (+2%), VGC (+3,1%), SZC (+3,1%), SIP (+2,4%) đã khuấy động tâm lý cùng với nhóm Năng lượng với PC1 (+6,77%), TV2 (+6,9%), NT2 (+3,4%).
PC1 thậm chí còn vượt lên về quy mô giao dịch, đạt 601 tỷ đồng, đứng đầu toàn sàn. Xét về hiệu ứng hút tiền, PC1 khó có thể so với các cổ phiếu Ngân hàng và Thép trong đợt tăng vừa qua. Tuy nhiên, so với chính mình, PC1 đã có một phiên khớp lệnh cao nhất lịch sử.
Đây là một hiệu ứng tâm lý đáng ghi nhận với PC1 và các cổ phiếu Midcap và Penny khác sau giai đoạn gần 2 tháng chịu sự đè nén từ các cổ phiếu lớn.
Chỉ số VNMID (+0,89%), VNSML (+0,78%) đều tăng tốt hơn so với VN30 (+0,22%). Sắc xanh phủ tới hơn 48% số mã trên HOSE. Còn chỉ số VN-Index đã tăng gần 4 điểm lên 1.179,65 điểm. Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 13.741 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng nhanh chóng thể hiện sự nhanh nhạy khi một loạt mã như TNG (+4,6%), IDC (+4,7%), VTP (+2,8%) cũng tăng giá. 2 chỉ số đóng cửa tăng lần lượt 0,71% và 0,29%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.900 tỷ đồng.