Dấu hiệu hồi phục
Theo báo cáo Savills APIQ Q1/2024, thị trường bất động sản thương mại châu Á - Thái Bình Dương vẫn yếu trong quý 1/ 2024. Ước tính sơ bộ cho thấy tổng giá trị đầu tư khu vực giảm 18,6% xuống còn 27,7 tỷ USD trong quý đầu tiên.
Nhật Bản đã chấm dứt chính sách lãi suất âm vào giữa tháng 3, lãi suất thấp hơn và đồng Yên Nhật yếu là những lý do chính thu hút vốn đầu tư toàn cầu.
Còn tại Hàn Quốc, khối lượng đầu tư cũng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do vốn nội địa dẫn dắt.
Hoạt động đầu tư ở các thị trường phát triển khác vẫn yếu trong quý 1/2024, bao gồm Úc, Singapore và Hồng Kông, chủ yếu do chi phí tài chính cao và chênh lệch giá chào bán - chào mua lớn.
Đối với Trung Quốc, khủng hoảng thị trường bất động sản, tâm lý doanh nghiệp yếu và mức nợ của chính quyền địa phương tiếp tục cản trở hoạt động đầu tư trong quý 1/2024. Chính phủ Trung Quốc hiện đang thực hiện các biện pháp kích thích để hỗ trợ thị trường bất động sản, bao gồm cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 2 và mở rộng khả năng tiếp cận các khoản vay cho các nhà phát triển nội địa. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong khối lượng đầu tư của Trung Quốc trong quý đầu tiên.
Ngược lại, các nhà đầu tư vẫn duy trì cái nhìn lạc quan về thị trường bất động sản Ấn Độ, nhất là có sự quan tâm đến tài sản văn phòng thương mại và công nghiệp/logistics.
Ngoài ra, một số thị trường mới nổi đang ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về giá trị đầu tư trong quý 1/2024, đặc biệt là Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
Ông Simon Smith, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Savills phân tích, tại khu vực này chi phí vay vốn cao hơn, khoảng cách giá chào bán - chào mua lớn… vẫn là những yếu tố chính cản trở tâm lý đầu tư.
Tuy nhiên, một số điểm sáng vẫn tồn tại khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia đều ghi nhận khối lượng đầu tư tăng trong quý 1. Bên cạnh đó, nhu cầu về bất động sản công nghiệp/logistics, trung tâm dữ liệu và khoa học xã hội tại Ấn Độ cũng đang tăng mạnh.
Khu công nghiệp Việt Nam tiếp tục đón "đại bàng"
Tính đến hết tháng 3/2024, GDP của Việt Nam ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đến ngày 20/3 (gồm vốn đăng ký mới, điều chỉnh và M&A) đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI đăng ký mới đạt 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá, với triển vọng tăng trưởng GDP dự kiến từ 5,5% đến 6,5% cùng với dòng vốn FDI đăng ký mới tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư và một lĩnh vực công nghiệp sôi động.
Trong số ngành thu hút đầu tư, báo cáo APIQ dự báo ngành chip bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ thu hút đầu tư đáng kể trong năm 2024.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Đạo luật CHIPS và Khoa học Mỹ, bao gồm khoản tài trợ 500 triệu USD để nâng cao đào tạo về chất bán dẫn, an ninh mạng và môi trường kinh doanh trên toàn cầu.
Lam Research (Mỹ), một nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu, có kế hoạch xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư từ 1 đến 2 tỷ USD.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Tập đoàn Gelex và Frasers Property đang hợp tác để xây dựng các khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn LEED. Gần đây, đơn vị đã khởi công Dự án Trung tâm Công nghiệp Yên Mỹ (Hưng Yên), dự án này sẽ cung cấp 159.000 m2 diện tích nhà xưởng linh hoạt.
Ngoài ra, Khu Công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh) của họ bao gồm một nhà máy xây sẵn rộng 71.000 m2, dự kiến hoàn thành vào quý 4/2024. Becamex IDC Corp vừa ký kết thỏa thuận đầu tư cho dự án Khu công nghiệp Bình Thuận rộng 5.000 ha với tổng vốn đầu tư vượt 800 triệu USD.