Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản chỉ đạo về triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023. Tại văn bản này, Thống đốc yêu cầu, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục phấn đấu tiết giảm chi phí, cắt giảm những thủ tục và các loại phí không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.
Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Các TCTD tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh giải ngân chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ và 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Cùng với đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu. Nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ tại tổ chức tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro…
Trong bối cảnh người dân có thể tiếp cận với quá nhiều nguồn thông tin không chính thống, các TCTD cần tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng đến công chúng; nâng cao nhận thức của khách hàng trước rủi ro an ninh mạng, hoạt động gian lận, lừa đảo trên không gian mạng; chủ động áp dụng các hình thức khuyến nghị, cảnh báo kịp thời, hiệu quả tới khách hàng về các phương thức, thủ đoạn gian lận, lừa đảo của tội phạm công nghệ cao.
Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu các TCTD xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn...