Tiền gửi của nhà đầu tư sẵn sàng tham gia thị trường tăng lên mức cao nhất trong 5 quý

Số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào cuối quý III/2023 đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với quý liền trước và là mức cao nhất trong 5 quý trở lại đây.

Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2023 của các công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý III đạt khoảng 77.000 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Như vậy, so với quý II/2023, số dư tiền gửi khách hàng tại CTCK tăng 10.000 tỷ đồng và là mức cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.

394958397-3227190177580739-5894090138889259983-n-1935.png

VPS tiếp tục là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất và tăng mạnh nhất, đạt hơn 19.600 tỷ đồng vào thời điểm ngày 30/9, tăng gần 4.900 tỷ đồng so với cuối quý II. VPS hiện là CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên ba sàn HoSE, HNX, UpCOM và phái sinh, bỏ xa các cái tên phía sau.

Xếp sau VPS là VNDIRECT và SSI với số dư tiền gửi của nhà đầu tư lần lượt 6.800 tỷ đồng và 4.800 tỷ đồng. Đa phần top đầu đều có sự gia tăng khoản mục này so với cuối quý II. Tuy nhiên, ngoài VPS chỉ có 2 CTCK ngoại là Mirae Asset và KIS ghi nhận tiền gửi của nhà đầu tư tăng hơn nghìn tỷ đồng sau quý III.

Lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK tăng một phần đến từ động thái chốt lời vào cuối quý III. Trước đó, thị trường đã tăng bền bỉ trong một thời gian dài và leo lên đỉnh một năm vào đầu tháng 9. Áp lực chốt lời là một trong những nguyên nhân khiến thị trường điều chỉnh mạnh vào cuối quý II vừa qua cho đến thời điểm hiện tại.

Quảng cáo

Bên cạnh đó, lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK tăng còn đến từ dòng tiền của các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), lượng tài khoản mở mới trong 3 tháng của quý III đều trên 150.000 đơn vị, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của giai đoạn 9 tháng trước đó. Giá trị khớp lệnh trên HoSE trong phần lớn thời gian của quý III thường xuyên duy trì trên 20.000 tỷ đồng, thậm chí chạm ngưỡng tỷ USD trong một số phiên đầu tháng 9.

Chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước giúp duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp đã hỗ trợ tích cực cho dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán. Lãi suất tiết kiệm giảm khiến kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm góp phần giảm áp lực lãi vay cho doanh nghiệp qua đó cải thiện lợi nhuận.

Lãi suất cho vay giảm cũng thúc đẩy nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư chứng khoán. Dư nợ cho vay tại các CTCK vào thời điểm cuối quý III ước tính lên đến 165.000 tỷ đồng, tăng 15.000 tỷ đồng so với cuối quý II và tăng 43.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đây là quý thứ 2 liên tiếp dư nợ margin có sự gia tăng so với thời điểm cuối quý trước.

Thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh của các CTCK quý III, nhưng từ đầu tháng 10, áp lực giảm điểm gia tăng khiến chỉ số để thủng mốc 1.100 điểm kèm thanh khoản liên tục sụt giảm. Riêng trong tuần giao dịch 16-20/10, VN-Index để mất 4,04%, mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 8. Tuần giảm điểm mạnh khiến vốn hóa HoSE “bốc hơi” gần 187.000 tỷ đồng (~7,8 tỷ USD), xuống còn xấp xỉ 4,44 triệu tỷ đồng. Đây là mức vốn hóa thấp nhất của sàn HoSE kể từ đầu tháng 6/2023. So với đỉnh một năm đạt được đầu tháng 9, vốn hóa HoSE đã mất đến gần 545.000 tỷ đồng (~22,7 tỷ USD).

Điểm tích cực trong bối cảnh thị trường giảm điểm là việc quay lại của tiền ngoại. Sau 2 tuần liên tiếp bán ròng trước đó, lực mua tăng dần, đặc biệt trong phiên cuối tuần nhờ giao dịch thoả thuận đột biến tại VHM. Tính chung trong tuần qua, khối ngoại mua ròng 923 tỷ đồng với tâm điểm là VHM (579 tỷ đồng) và STB (491 tỷ đồng). Tuy nhiên, luỹ kế từ đầu tháng 10 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng trên HoSE.

Trong báo cáo mới phát hành, nhóm chuyên gia Dragon Capital cho biết, với việc FED sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và điều kiện kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy yếu, Dragon Capital dự đoán sẽ có nhiều biến động cả trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ hỗ trợ của Việt Nam sẽ vẫn được duy trì. Do đó, sau khi kết quả kinh doanh quý III được công bố và tình hình thế giới ổn định, chỉ số VN-Index sẽ trở lại xu hướng tăng bình thường.

Theo Theo tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ Copy

Cùng chuyên mục Thị trường

Thị trường hàng hoá biến động trước kỳ vọng trái chiều về kịch bản hạ lãi suất của FED

Tuần qua, ngoại trừ thị trường nông sản giữ được đà phục hồi, các nhóm hàng còn lại đều sụt sâu. Trong đó, nhiều mặt hàng năng lượng và kim loại cơ bản chứng kiến giá lao dốc từ 3-10%.

Cổ phiếu Novaland “thăng hoa”, thanh khoản tăng đột biến CPI tháng 8 ổn định, duy nhất một nhóm hàng hóa ghi nhận giảm so với tháng trước

Gần 5.000 tỷ đồng trái phiếu chảy về nhóm công ty bất động sản trong tháng 8/2024

Trong tháng 8/2024, nhóm công ty bất động sản có 7 đợt phát hành trái phiếu, hút về gần 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, xếp thứ 2 về giá trị huy động nguồn vốn từ trái phiếu, chỉ đứng sau nhóm ngân hàng.

Một ngân hàng phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu không tài sản bảo đảm cho hơn 5.000 nhà đầu tư Nam Long (NLG) hút thành công 2 lô trái phiếu trị giá 950 tỷ đồng trong cùng một ngày