
Theo đó, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 105,5 – 108 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm qua. Chênh lệch giá mua – bán được duy trì ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Tập đoàn Phú Quý cũng điều chỉnh giá vàng SJC lên mức 104,8 – 108 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 800 nghìn đồng/lượng ở giá mua vào và 500 nghìn đồng/lượng ở giá bán ra so với cuối phiên trước.
Tập đoàn DOJI giao dịch vàng SJC ở giá 105,2 – 107,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng thêm 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.
Với mặt hàng vàng nhẫn, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra, đưa giá giao dịch mặt hàng này lên mức 102,5 – 105,5 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn tròn Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn DOJI giao dịch trong vùng giá 102,5 – 105,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 700 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tập đoàn Phú Quý ghi nhận mức tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán đối với vàng nhẫn Phú Quý 999.9, nâng giá lên 102,9 – 106,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi đó, vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có mức tăng mạnh nhất 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua và 700 nghìn đồng/lượng ở chiều bán, hiện niêm yết ở mức 103,9 – 106,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 7,4 USD so với kết phiên trước, giao dịch ở ngưỡng 3.225,2 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng thế giới hiện có giá trị 101,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 6,9 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vừa nâng dự báo giá vàng, cho rằng kim loại quý này có thể chạm mốc 4.000 USD/ounce trong năm tới, nhờ lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương và dòng vốn đổ vào các quỹ ETF, trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng.
Theo phân tích mới nhất từ Goldman Sachs, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu dự kiến đạt trung bình 80 tấn mỗi tháng trong năm 2025, cao hơn mức ước tính trước đó là 70 tấn. Đồng thời, các quỹ ETF vàng – vốn có xu hướng tăng mua khi rủi ro kinh tế xuất hiện – được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giá vàng.
“Diễn biến giao dịch gần đây cho thấy nhu cầu trú ẩn an toàn đang gia tăng, giữa lúc rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét và giá các tài sản rủi ro tiếp tục điều chỉnh,” báo cáo của Goldman Sachs nhấn mạnh.
Ngân hàng này hiện đánh giá xác suất nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới là 45%. Nếu kịch bản này xảy ra, các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ tăng mạnh, có thể đạt 3.880 USD/ounce vào cuối năm 2025 trước khi chạm mốc 4.000 USD trong năm sau đó.