Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á vẫn chứng kiến sắc đỏ trên diện rộng với NIKKEI 225 (-1,21%) là chỉ số giảm mạnh nhất. Các chỉ số CSI 300 (-0,49%), TWSE (-0,72%), KOSPI (-0,02%), IDX (-0,72%) cũng đều giảm điểm.
Chỉ số VN-Index không là ngoại lệ khi có phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, biên độ của thị trường Việt Nam vẫn rất hẹp và nguyên nhân giảm chủ yếu do chịu tác động của nhóm cổ phiếu Vingroup.
Chất xúc tác
Dòng tiền ngoại là điểm nhấn của phiên giao dịch hôm qua. Tuy nhiên, đến hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng gần 100 tỷ đồng nhờ giao dịch đột biến tại VPB (+523 tỷ đồng). Nếu loại VPB ra, thực tế, tiền ngoại đặc biệt là từ các quỹ ETFs vẫn đang trong chuỗi rút ròng.
Với VPB, chỉ tính riêng trong 3 phiên trở lại đây, đã có 2 phiên được mua vào với giá trị lớn, đạt khoảng 900 tỷ đồng. Nhiều khả năng, giao dịch đến từ một tổ chức nước ngoài hoặc một quỹ đầu tư chủ động.
Vấn đề về tỷ giá có lẽ không còn quá nghiêm trọng khi lượng tiền lớn kể trên đổ vào VPB. Theo công bố từ Ngân hàng nhà nước, tỷ giá trung tâm được niêm yết tại 23.993 VND/USD sáng ngày 8/9.
Với dòng tiền nội, nhà đầu tư đang có những kỳ vọng tích cực vào chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ vào các ngày 10-11/9. Tâm lý vẫn thể hiện được sự ổn định qua quy mô thanh khoản của HOSE, thường xuyên đạt trên mức 20.000 tỷ đồng/phiên.
Vận động thị trường
Một thông tin đáng chú ý liên quan đến nhóm Phân bón là Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu urê sau khi giá trong nước tăng vọt. Các cổ phiếu Phân bón đều phản ứng ngay lập tức với việc DPM, DCM cùng tăng trần từ đầu phiên sáng. Trạng thái này vẫn được giữ nguyên cho tới cuối phiên, DPM giao dịch đạt 225 tỷ đồng còn DCM đạt 196 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu nhóm Cảng biển, Khu Công nghiệp, Thép trên thị trường như HAH (+6,87%), KBC (+3,36%), PC1 (+5,53%), NKG (+4,55%) cũng có trạng thái tăng rất tốt. Tuy nhiên, hiệu ứng nhóm ngành kém rõ ràng hơn so với Phân bón.
Lẽ ra biên độ của nhiều cổ phiếu có thể sẽ tốt hơn nếu như các mã Bluechips tìm được tiếng nói chung. Nhóm cổ phiếu Vingroup đã có một phiên gây sức ép về tâm lý cho nhà đầu tư.
VIC (-2,8%) đã không có bất kỳ một nỗ lực nào để ngoi lên trên tham chiếu trong cả phiên giao dịch. Trạng thái đóng cửa của VIC là thấp nhất phiên giao dịch nhưng khối lượng còn phá kỷ lục từ trước đến nay. Sau khi tạo đỉnh trong tháng 8 nhờ sự kiện niêm yết cổ phiếu VinFast tại NASDAQ, VIC đang giảm gần 23%.
2 cổ phiếu còn lại của nhóm Vingroup là VHM (-2%), VRE (-2,3%) cũng đều là những nhân tố gây thất thoát điểm số của cho thị trường chung.
Những cổ phiếu Bluechips khác như VNM (+0,6%), HPG (+0,3%), VCB (0%) đều không thể hiện tốt vị thế cổ phiếu trụ. Thành quả điểm số tăng được trong phiên đã dễ dàng bị bào mòn và VN-Index đóng cửa giảm 1,66 điểm xuống 1.241,48 điểm (-0,13%). Tổng giá trị giao dịch đạt 26.335 tỷ đồng trong đó VIC chiếm 6,5% giá trị.
Nhìn chung, diễn biến điều chỉnh của thị trường là khó tránh khỏi sau khi VN-Index vừa xác lập mức đỉnh mới của năm 2023. Phản ứng của các sàn HNX và UPCoM vẫn khá nhẹ nhàng, HNX-Index và UPCoM-Index cùng tăng 0,02%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.100 tỷ đồng.