Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim đã tiếp tục nối dài chuỗi ngày "thăng hoa" với việc tăng 1,25% lên mức 24.300 đồng/cp trong khi VN-Index vẫn biến động quanh vùng 1.100 điểm. Thị giá của NKG cũng đã tăng gần 40% kể từ đầu tháng 10. Đây cũng là mức cao nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 5/2022.
Trong thời gian gần đây, nhiều thông tin tích cực của thép Nam Kim được tung ra. Ngày 4/12, quỹ thành viên KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund thuộc Kim Vietnam Fund Management đã mua vào 1 triệu cổ phiếu NKG.
Qua đó, tăng sở hữu của quỹ thành viên này lên 4 triệu cổ phiếu và của cả nhóm quỹ Kim Vietnam Fund Management lên 13,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,2% vốn, trở thành cổ đông lớn của NKG. Đây là một diễn biến đi ngược lại với thị trường chung khi trong năm vừa qua các quỹ ngoại liên tục bán ròng các cổ phiếu khác trên thị trường.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Chứng khoán DSC, Thép Nam Kim đã lên kế hoạch mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp hơn thông qua dự án mới nhà máy Nam Kim Phú Mỹ tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhà máy này có công suất dự kiến là 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Việc xây dựng nhà máy sẽ bắt đầu vào năm 2024 và kéo dài trong ba giai đoạn (mỗi giai đoạn 400.000 tấn) đến cuối năm 2026. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Nam Kim (chủ yếu dùng trong xây dựng).
Hiện Thép Nam Kim đang nằm trong top 3 doanh nghiệp tôn mạ có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Đối với sản phẩm ống thép, thị phần tiêu thụ của doanh nghiệp này liên tục tăng trong các năm gần đây. Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ống thép của Nam Kim đã cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng toàn ngành, chiếm 7,4% toàn thị phần.
Dự báo chung về ngành thép, theo Chứng khoán An Bình (ABS), nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2023 ước tăng 1,8% so với năm 2022, cải thiện tích cực so với mức giảm tới 3,3% của năm ngoái. Trong năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự báo tiếp tục tăng 1,9%, đạt mức 1,84 tỷ tấn với động lực tăng trưởng chính đến từ khu vực Liên minh châu Âu (EU) (tăng 5,8% so với năm 2023), Ấn Độ (tăng 7,7%), và khu vực ASEAN (tăng 5,2%).
Đối với thị trường nội địa, nhu cầu thép tại Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi rõ rệt trong năm 2024 nhờ vào hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực trở lại và thị trường bất động sản hồi phục nhờ mặt bằng lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cùng với đó là việc giải ngân lượng vốn đầu tư công khổng lồ.
Sau 19 lần giảm giá liên tục trong 9 tháng đầu năm 2023, giá thép các loại tại Việt Nam đã đảo chiều với 03 lần tăng liên tiếp kể từ cuối tháng 11/2023 đến nay. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) hiện dự báo giá thép trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới với biên độ từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn cho từng kỳ nâng giá.
Đà tăng của giá thép trong nước đến từ việc chi phí đầu vào tăng (quặng sắt, điện, thép phế liệu…) cùng với đó là giá thép thế giới tăng giá rõ rệt. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Mỹ, EU đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 10/2023, lần lượt đạt 1.146 USD/tấn và 727 USD/tấn. Giá thép xây dựng thế giới cũng đã bật tăng trong đầu tháng 11/2023 khi vượt qua mức 3.800 Nhân dân tệ/tấn.
Giá thép thế giới tăng chủ yếu do nguồn cung hạn chế, thời gian giao hàng kéo dài bởi ảnh hưởng của các xung đột quân sự, địa chính trị làm chi phí năng lượng tăng cao. Đồng thời, loạt lò luyện thép tại EU tạm dừng hoạt động để bảo trì trong khi nhu cầu không thực sự giảm khiến căng thẳng nguồn cung gia tăng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đang tích cực vực dậy thị trường bất động sản nước này và có thể tung ra thêm các chính sách kích thích kinh tế mới, bao gồm các khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, giúp thúc đẩy nhu cầu sử dụng thép trong thời gian tới.