Định vị thị trường
Nhà đầu tư trong nước khó có thể tham khảo được những chuyển động của chứng khoán châu Á. Trong phiên giao dịch ngày 22/11, các chỉ số khu vực có một phiên biến động trái chiều trong biên độ rất hẹp. NIKKEI 225 (+0,29%), STI (+0,59%), KOSPI (+0,05%) tăng điểm, trong khi TWSE (-0,61%), KLCI (-0,41%), SET (-0,73%) ở nhóm giảm điểm.
Vận động của thị trường Việt Nam do đó cũng không có bước tiến rõ rệt xét về thành tích của chỉ số. Phiên giao dịch ngày 22/11, VN-Index rung lắc nhẹ nhưng vẫn đang từng bước trở lại với xu hướng tăng dài hạn.
Chất xúc tác
Giai đoạn căng thẳng về tỷ giá đã qua đi khi Chỉ số DXY hiện đã ở dưới 104 điểm. Lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường mở hiện đã giảm xuống 95.599,8 tỷ đồng, còn tỷ giá trung tâm đã dần rời xa khỏi mức 24.000 VND/USD. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng nay (ngày 22/11), tỷ giá trung tâm là 23.885 VND/USD.
Dù vậy, hành động của nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh tỷ giá đã hạ nhiệt, vẫn đi theo tính toán riêng. Phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng tới 711 tỷ đồng trong đó: VPB (-450 tỷ đồng), VHM (-73,4 tỷ đồng), MWG (-58,44 tỷ đồng). Đóng góp của dòng tiền ngoại chỉ đạt chưa đến 6% tổng giao dịch 2 chiều.
Nhà đầu tư nội với tỷ trọng áp đảo lại đang có thói quen tìm kiếm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như: Bất động sản, chứng khoán.
Vận động thị trường
Thực tế, tâm lý lướt sóng đã hiện diện từ cuối tuần trước, thời điểm VN-Index xuất hiện nỗ lực "trả điểm quá tay". Tuy nhiên, khi các cổ phiếu lớn đã hoàn toàn gạt bỏ đi các nhiễu động thì nhiều mã lớn vẫn chưa thực sự có sự trở lại rõ rệt.
Vì vậy, dòng tiền không chỉ tìm cách trú ẩn mà còn đang tìm kiếm các cơ hội ở các cổ phiếu: Bất động sản, chứng khoán, thép, đầu tư công. So với phiên hôm qua, tâm lý lướt sóng trong phiên hôm nay còn mạnh mẽ hơn ở các cổ phiếu: NVL tăng trần, GEX tăng 3,81%, DXG tăng 4,7%, DIG tăng 2,5%.
Giá trị giao dịch của NVL, GEX, DXG có sự nhảy vọt mạnh mẽ, lọt vào top 3 giao dịch của HOSE. Đây là những cổ phiếu có dấu hiệu mua lên quyết liệt hơn mặt bằng chung. Còn với số đông còn lại, lực mua chưa đủ mạnh thì vẫn tiếp tục có sự tranh thủ mua/bán hạ giá vốn. Các mã NLG (+0,8%), HHV (+0,97%), DBC (+0,21%), PDR (+0,88%), VND (+0,92%) là những trường hợp điển hình.
Quay trở lại với diễn biến của các Bluechips, vận động tại VN30 thực tế không thể tạo ra được sự định hướng. Các cổ phiếu trụ cột như VCB (+0,1%), CTG (+0,7%), BID (-0,8%), VIC (-1,4%), VHM (-0,3%) đã triệt tiêu đi ảnh hưởng của nhau.
VN-Index chịu rung lắc nhẹ về cuối phiên nhưng vẫn đảo chiều tăng điểm. Chỉ số đóng cửa tại 1.113,82 điểm (+0,3%) và đã ở rất sát đường MA200. Thanh khoản của sàn đạt 20.241 tỷ đồng.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index biến động trái chiều, tăng 0,3% và giảm 0,21%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.600 tỷ đồng.