Định vị thị trường
Điểm nhấn của chứng khoán châu Á không đến từ những thị trường đang có xu hướng mạnh nhất. Thay vào đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc mới tạo ra sự chú ý nhiều nhất khi SHCMP (+1,94%), SZI (+3,13%) có sự bật lên khá mạnh.
Phản ứng của chứng khoán Trung Quốc thể hiện nỗ lực hồi phục sau một phiên giảm điểm khá sâu. So với các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và cả Việt Nam, thị trường Trung Quốc vẫn cần phải nỗ lực mạnh hơn để bắt nhịp cùng đà tăng.
Với VN-Index sau một phen bứt phá khỏi vùng đỉnh của năm 2023, thị trường tạm thời có sự chững lại nhẹ khi các nhóm vốn hóa lớn chủ yếu triệt tiêu ảnh hưởng của nhau.
Chất xúc tác
Trên thị trường 2, lãi suất qua đêm theo thống kê Refinitiv Eikon đang tiếp tục hạ nhiệt nhanh, xuống còn 1,47%. Nhiều kỳ hạn như 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng đều giảm cho thấy sự căng thanh khoản sau Tết Nguyên đán chỉ diễn ra một cách chớp nhoáng.
Cùng với đó, vận động của tỷ giá cũng chưa có sự bất thường nào khi tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay là 24.002 VND/USD. Với mức chênh lệch lãi suất của VND và USD chưa được thu hẹp thì việc tỷ giá neo cao vẫn là điều chấp nhận được với nhiều nhà đầu tư đang theo sát vận động của vĩ mô.
Còn với thanh khoản của thị trường chứng khoán, khớp lệnh của HOSE vẫn liên tục duy trì sự sôi động khi có thêm phiên giao dịch thứ 11 đạt trên mức bình quân 20 phiên. Tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 10,45% giao dịch 2 chiều, vẫn cho thấy sự chủ động hơn của tiền nội.
Dù vậy, khối ngoại lại có phiên bán ròng gần 390 tỷ đồng trên HOSE với các mã VHM (-211 tỷ đồng), VRE (-172 tỷ đồng), VNM (-115 tỷ đồng), HCM (-98 tỷ đồng), FUEVFVND (-72 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Hoạt động bán ròng của khối ngoại tạo ra ảnh hưởng tới giá các cổ phiếu kể trên. VHM (-2,25%), VRE (-4,68%), HCM (-2%) giảm từ 2% trở lên và đã kết hợp cùng các mã lớn khác như BID (-1,7%), VIC (-1,3%), CTG (-1,1%), GVR (-1%), MBB (-1%), PLX (-1%) gây ra áp lực triệt tiêu đi lực kéo của các cổ phiếu như MSN (+3,2%), SSI (+2,5%), MWG (+2%), SAB (+1,4%), HPG (+1,3%).
Cổ phiếu VCB (-0,1%) sau phiên phá kỷ lục giá đã có chút chững lại dù đã vươn lên trên mức 100.000 đồng/cổ phiếu vào đầu phiên sáng nay. Chuyển động của VCB vừa là tác nhân khiến cho VN-Index không thể quay đầu thành công trong phiên chiều và cũng đồng thời khiến cho nhóm ngân hàng chưa có thêm sức bật.
Dù vậy, mức độ điều chỉnh của VN-Index cũng khá nhẹ nhàng sau khi đi bứt phá qua vùng 1.250 điểm trong phiên hôm qua. Tới cuối phiên, chỉ số vẫn neo trên ngưỡng này, chỉ để giảm 1,82 điểm xuống 1.252,73 điểm (-0,15%). Thanh khoản đạt 1.091,19 triệu đơn vị, tương đương 26.136 tỷ đồng.
Nhóm Midcap và Penny vẫn chưa thực sự thuận lợi để nối lại đà tăng nhưng vẫn ghi nhận các trường hợp cá biệt như KDH, FTS tăng trần hay VGC, NLG tăng trên 3%.
Ở trong phiên hôm qua, cổ phiếu PVD là một gương mặt khác đã gây ấn tượng mạnh tại nhóm Midcap nên dù chưa thực sự đồng thuận thì dòng tiền thông minh vẫn đang tìm cách len lỏi vào nhóm cổ phiếu này.
Với 2 chỉ số còn lại, sắc xanh lại được ghi nhận. Chỉ số HNX-Index tăng 0,12% lên 235,46 điểm. Thanh khoản đạt 2.159 tỷ đồng, tương đương 109,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 0,09% lên 90,63 điểm. Thanh khoản đạt 34,91 triệu đơn vị, tương đương 630 tỷ đồng.