Định vị thị trường
Một số thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore với các chỉ số như SHMCP (+2,14%), SZI (+2,48%), TWSE (+1,56%), STI (+0,42%). Còn Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc vẫn chịu áp lực giảm: NIKKEI 225 (-1,32%), SET (-2,26%), KOSPI (-0,98%).
VN-Index vẫn có sự bất ổn tâm lý thể hiện qua đà giảm 1,86%. Trạng thái của chỉ số thậm chí còn chính thức để thủng mốc 1.200 điểm và qua đó đã đánh rơi 100 điểm từ mức đỉnh của năm 2024.
Chất xúc tác
Ngoài các yếu tố kém tích cực là tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng, hoạt động bán ròng của khối ngoại, sự chú ý đặc biệt dành cho hoạt động đáo hạn phái sinh.
HĐTL VN30F2404 đáo hạn trong phiên hôm nay với khối lượng mở (OI) trước phiên còn hơn 30 nghìn đơn vị. Chốt phiên, VN30F2404 đóng cửa tại 1.214,6 đơn vị (-15,4 đơn vị) còn VN30 cũng giảm về khoảng 1.210-1.214 điểm, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Qua đó, cho thấy phe short vẫn lấn lướt trong ngày đáo hạn phái sinh.
Trong khi đó, tỷ giá đang nóng với tỷ giá trung tâm đã lên 24.231 VND/USD còn tỷ giá tự do đã lên quanh mức 25.600 VND/USD. Lãi suất liên ngân hàng cũng tiếp tục ghi nhận ở trên quanh mức 5% cho thấy nhu cầu thanh khoản cao trong hệ thống.
Trong ngày hôm qua, trên kênh cầm cố, có 11.999,93 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Ở kênh tín phiếu, có 550 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,59%.
Với 10.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, NHNN bơm ròng 21.449,93 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 101.400 tỷ đồng, có 33.999,82 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.
Cuối cùng là áp lực bán lớn của nhà đầu tư nước ngoài lại xuất hiện với giá trị ròng -990 tỷ đồng trên HOSE. Các mã FUEVFVND (-339 tỷ đồng), VHM (-146 tỷ đồng), SHB (-95 tỷ đồng), MSN (-67 tỷ đồng), VIC (-66 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất.
Vận động thị trường
Dù ở phiên hôm qua, VN-Index đã được kéo lại cuối phiên sau khi bị nhúng xuống dưới 1.200 điểm nhưng rủi ro giảm điểm vẫn chưa thể được triệt tiêu. Tâm lý của số đông nhà đầu tư vẫn kém ổn định và luôn trong trạng thái "hồi là bán".
Đặc biệt, diễn biến đáo hạn phái sinh và hoạt động bán ròng của khối ngoại càng khiến cho nhà đầu tư khó tìm được sự tự tin.
VN30 lại chứng kiến áp lực trong phiên chiều với 26/30 mã giảm giá. Trong đó, GVR (-5,6%), BID (-4,4%), CTG (-4%), SHB (-3,5%), TPB (-3,4%), MBB (-3,3%), VPB (-3,2%), VIC (-3%) giảm trên 3%. Ở chiều tăng, 4 mã SSB (+0,2%), VNM (+0,3%), POW (+0,5%), MSN (+1,1%) gần như không đủ sức để cân lại áp lực giảm.
Cũng theo thống kê, VN30 đã bị bán ròng gần 430 tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng giá trị bán ròng của toàn sàn.
Số lượng các mã giảm sàn chỉ là 3 mã trên toàn HOSE nhưng vẫn có thể ghi nhận nhiều cổ phiếu ở nhóm Chứng khoán, Bất động sản, Khu công nghiệp, Thép, Bán lẻ bị khuất phục trước lực bán như FTS (-6,8%), BSI (-6,1%), CTS (-5,8%), VCI (-5,6%), ORS (-5%), DPG (-6,9%), NTL (-6%), DXG (-5,4%), NVL (-4,4%), DIG (-4,3%), GEX (-4,1%), DPR (-4,1%), KBC (-3,6%), HSG (-3,6%), DGW (-5,8%)…
Sắc đỏ phủ 64% số mã trên HOSE. Chỉ số VN-Index đã chính thức để thủng mốc 1.200 điểm khi đóng cửa tại 1.193 điểm (-1,86%). Qua đó, tính từ mức cao nhất đã thiết lập được trong năm 2024, chỉ số đã đánh rơi hơn 100 điểm.
Trong khi đó, 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều không thể tránh được phiên giảm điểm, mất lần lượt 1,15% và 0,54%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.300 tỷ đồng.