Định vị thị trường
Trong đêm qua, chứng khoán Mỹ đã không thành công trong nỗ lực lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn và tiếp tục chịu khuất phục trước áp lực chốt lời. Hệ quả, các chỉ số chứng khoán châu Á đã phải chịu thêm áp lực bán xuống, chỉ số chứng khoán mạnh nhất châu Á là NIKKEI 225 có phiên giảm gần 2% còn KOSPI mất 1,01%, TWSE mất 0,63%. Trong khi đó, SHCMP (-0,18%), SZI (-0,44%) vẫn tiếp tục phải tái tích lũy.
Thông điệp mới nhất từ Chủ tịch FED, ông Jerome Powell cho biết FED vẫn xem xét các dữ liệu trước khi tiến hành cắt giảm lãi suất, bước đi đang được giới đầu tư kỳ vọng sẽ diễn ra trong tháng 6/2024.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index trong phiên cuối tuần đã giảm hơn 1% với áp lực bán rơi vào quãng thời gian cuối phiên khiến nhiều cổ phiếu đóng cửa thấp nhất phiên giao dịch.
Chất xúc tác
Biến số về tỷ giá và hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã bớt áp lực hơn trong các phiên gần đây. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm hiện ở mức 24.038 VND/USD.
Cùng với đó, cường độ các phiên phát hành tín phiếu cũng không còn ghi nhận giá trị cao, thay vào đó đã có một số phiên nhà điều hành quay lại hỗ trợ thanh khoản hệ thống bằng việc bơm ròng. Ở phiên hôm qua, chỉ có 200 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất 2,4%. Qua đó, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 172.198,8 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ ở mức 8.465,53 tỷ đồng.
Lãi suất liên ngân hàng ở nhiều kỳ hạn tiếp tục giảm mạnh. Ở kỳ hạn qua đêm, lãi suất liên ngân hàng đã giảm 1% xuống 2,58% trong khi kỳ hạn 1 tuần giảm 1,02% xuống 2,9%.
Khớp lệnh của HOSE đã trở lại mức trên bình quân 20 phiên, đạt 1,035 tỷ đơn vị. Nhà đầu nước ngoài dù chỉ mua ròng nhẹ hơn 20 tỷ đồng trên HOSE nhưng là phiên thứ 2 liên tiếp không ghi nhận hoạt động bán ròng. Các mã NVL (+224 tỷ đồng), MWG (+120 tỷ đồng), SBT (+55,7 tỷ đồng) được mua vào nhiều nhất.
Vận động thị trường
Yếu tố tâm lý đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường, kể cả ở những cổ phiếu Bluechips. Nhóm VN30 ghi nhận 26/30 mã giảm giá trong đó một loạt mã bị "đạp" trong phiên ATC khiến giá đóng cửa thấp nhất phiên như GVR (-4,8%), VRE (-2,4%), SSI (-2,3%), MSN (-2%), BID (-1,6%), BCM (-1,4%), BVH (-1%).
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Ngân hàng cũng không có nỗ lực hỗ trợ nào cho thị trường khi chỉ có LPB (+0,8%), VPB (+0,8%) tăng giá còn lại các mã đều tiếp tục hạ nhiệt với biên độ giảm quanh mức 1%.
Chỉ số VN30 đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã mất 0,78% trong khi VN-Index đóng cửa giảm 1,04% xuống 1.255,11 điểm.
Việc biên độ của VN-Index lớn hơn VN30 cho thấy nhà đầu tư cá nhân đã có sự dao động tâm lý rất lớn khi chứng kiến chuyển động của nhóm VN30. 2 chỉ số VNMID và VNSML đại diện cho nhóm cổ phiếu Midcap và Penny đều "thiệt hại" lớn hơn với đà giảm lần lượt 1,56% và 1,61%.
Một số mã như DRC, DPR, TV2, EVG, PSH đã bị chốt lời khiến giá giảm sàn trong khi một loạt mã giảm trên 3% như VCI (-4,42%), HCM (-3,75%), CTS (-6,01%), FTS (-6,73%), VIX (-3,98%), DBC (-5,71%), VTP (-6,82%), GEX (-3,1%), LCG (-4,38%), DGW (-3,04%), SZC (-5,07%) trong đó phản ứng của các cổ phiếu chứng khoán phản ánh rõ nhất yếu tố tâm lý đã đi ngược lại với các số liệu kinh doanh quý I/2024 tích cực của nhiều công ty.
Dù vậy, trong bức tranh mang nhiều màu sắc hoảng sợ, các cổ phiếu NVL (+4,57%), TCH (+0,3%), DPG (+0,61%), ASM (+4%), HVN (+6,67%) lại vẫn đem lại lợi nhuận hoặc giữ tiền cho một bộ phận nhà đầu tư. Qua đó, vẫn cho thấy thị trường còn cơ hội bên cạnh những cổ phiếu bị dòng tiền xả ra.
Được biết, cổ phiếu NVL ngoài việc được khối ngoại mua ròng mạnh nhất thị trường còn vừa nhận thông tin HOSE cấp margin trở lại.
Tổng giá trị giao dịch của HOSE đã đạt trên 1 tỷ USD, tương đương 25.193 tỷ đồng. Độ rộng toàn sàn ghi nhận 69% số mã giảm.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ với biên độ giảm lần lượt 1,14% và 0,4%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 3.900 tỷ đồng.