Định vị thị trường
Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023 đã chốt lại trạng thái của các thị trường chứng khoán châu Á. NIKKEI (-0,22%) dù giảm điểm nhẹ nhưng vẫn là chỉ số tăng tốt nhất trong năm 2023 với thành tích trên 28%. TWSE (+0,11%) xếp sau với thành tích cả năm là gần 27%. Còn KOSPI (+1,6%) lại quyết liệt nhất trong các thị trường để nới thành tích cả năm lên 18,73%.
VN-Index dường như cũng đã hài lòng với việc "leo" qua đường MA200 nên nỗ lực gần như rất ít trong phiên cuối năm. Chỉ số chốt thành tích năm ở mức 12,2%.
Chất xúc tác
Số liệu vĩ mô cũng được Tổng cục Thống kê công bố trong sáng nay. Theo đó, GDP quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP cả năm 2023 ước tăng 5,05%, qua đó GDP của Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD.
Như vậy, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đang phù hợp với mục tiêu đã được điều chỉnh giai đoạn cuối năm. Nhà đầu tư sẽ tiếp tục đón chờ tiếp các số liệu vĩ mô khác để chuẩn bị trước tâm lý khi bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023.
Tác động của thông tin GDP nhìn chung chưa tạo ra các phản ứng tâm lý tới thị trường. Nếu như khối ngoại có phiên giải ngân thứ 3 liên tiếp thì tiền nội lại giảm cường độ hoạt động. Khớp lệnh của HOSE đã giảm gần 15% so với phiên hôm qua.
Vận động thị trường
Hoạt động mua ròng trở lại của nhà đầu tư ngoại trong các phiên cuối cùng của năm 2023 chưa thể xác nhận được sự đảo chiều về xu hướng giao dịch. Bởi đây vẫn có thể chỉ là những giao dịch để chốt tài sản ròng (NAV) của các quỹ ngoại.
Các mã Bluechips được khối ngoại mua ròng như HPG (0%), VCB (-3,02%) không tạo động lực tăng giá rõ rệt nào trong khi các mã chiều ngược lại như VNM (-1,31%), GAS (-0,66%), SSI (-0,61%) lại giảm giá.
VN30 vẫn giữ được sắc xanh là nhờ vào sự nỗ lực lớn của HDB (+4,9%), GVR (+4,4%), VPB (+2,1%), BID (+1,6%), STB (+1,3%) để triệt tiêu ảnh hưởng giảm.
Tác động của các cổ phiếu lớn tới thị trường chung là rất hạn hẹp khi phần lớn các mã vẫn chỉ dao động biên độ hẹp. Một số mã Midcap và Penny có biên độ trên 2% như QCG (-6,51%), GMD (-2,08%), HNG (+2,84%), NT2 (+2,08%) lại chỉ có quy mô giao dịch kém ấn tượng.
Kể cả cổ phiếu giao dịch tốt nhất HOSE là HPG (571 tỷ đồng) cũng phải quay lại trạng thái hụt thanh khoản với quy mô khớp lệnh dưới mức bình quân 20 phiên.
Vì vậy, dù VN-Index chốt năm 2023 trên MA200, trạng thái của thị trường vẫn chưa thể xác nhận sự trở lại của xu hướng tăng do yếu tố thanh khoản kể trên.
VN-Index tăng 1 điểm lên 1.129,93 điểm (+0,09%). Thanh khoản của HOSE đạt 710,84 triệu đơn vị, tương đương 15.774 tỷ đồng.
Với 2 sàn còn lại, thanh khoản thấp tiếp tục cản trở các chuyển động của chỉ số. HNX-Index giảm 0,13% còn UPCoM-Index tăng 0,08%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 2.400 tỷ đồng.