Định vị thị trường
Hành động của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ ảnh hưởng tới nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Trước cuộc họp của FED diễn ra, CME dự báo, xác suất FED giữ nguyên lãi lên tới 99% cho thấy những nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng không đánh giá cao kịch bản ngược lại.
Thị trường Việt Nam đã phải trải qua những phiên giao dịch căng thẳng nhưng tới hôm nay, tâm lý đã thả lỏng rõ rệt. Mức tăng của VN-Index tỏ ra vượt trội so với hàng loạt các thị trường châu Á như NIKKEI 225 (-0,73%), CSI 300 (-0,4%), KOSPI (+0,02%).
Chất xúc tác
Chênh lệch giữa lãi suất USD và VND vẫn đang ảnh hưởng tới tỷ giá và hoạt động của khối ngoại. Tỷ giá trung tâm sáng ngày 20/9 được NHNN niêm yết ở mức 24.079 VND/USD, tăng 19 đồng so với phiên liền trước.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, so với quy mô bán ròng 2 phiên trước, giá trị bán ra đã giảm đi đáng kể, chỉ còn 225 tỷ đồng trên HOSE. Tính chung cả 3 sàn, giá trị rút ra là 249 tỷ đồng.
Các cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là HPG (-178 tỷ đồng), MWG (-100 tỷ đồng), GVR (-46,5 tỷ đồng) thực tế đã không bị ảnh hưởng từ khối ngoại.
Vận động thị trường
Cả 3 cổ phiếu bị khối ngoại bán ra mạnh nhất kể trên đều đóng cửa trong sắc xanh trong đó GVR (+3,6%) thậm chí còn tăng khá mạnh, dẫn dắt đà tăng của cả nhóm khu công nghiệp. Các mã PHR (+6,61%), SZC (+4%), TIP (+4,2%), ITA (+3,5%), VGC (+2,9%), LHG (+2,8%), KBC (+2,8%), đều có sự hưởng ứng mạnh và tạo ra hiệu ứng nhóm ngành.
Kể cả bất động sản và ngân hàng cũng có được sự đồng thuận cao. Với bất động sản, VIC (+3,5%), VHM (+2,7%), VRE (+1,8%) đã phát tín hiệu tích cực hơn. Hiện VHM đã có phiên tăng giá thứ 2 liên tiếp, trong khi VIC cũng kết thúc chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp. Cả 3 đều được khối ngoại mua ròng, với tổng giá trị ròng là gần 80 tỷ đồng.
Các cổ phiếu SJS (+6,8%), NVL (+6,9%), PDR (+4,7%), KHG (+5%), DPG (+5,1%), NLG (+4,9%), KDH (+4,4%), DXG (+4,3%) đều tỏ ra rất nhạy.
Với ngân hàng, biên độ tăng hẹp hơn nhưng vẫn có sự đồng đều từ các mã MBB (+1,1%), BID (+1,1%), TCB (+1,3%), SHB (+1,2%), VIB (+1,4%), TPB (+2,4%), OCB (+3,9%), trong đó OCB là cổ phiếu tăng tốt nhất. Nguyên nhân giúp cho OCB có đà tăng tốt hơn là do cổ phiếu trong ngày chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50%.
Các cổ phiếu nhóm chứng khoán, thủy sản, dệt may cũng đóng góp nhiều gương mặt ấn tượng như: ORS (+6,78%), VCI (+4,84%), ANV (+6,95%), GIL (+6,86%).
Độ rộng của HOSE lên tới 73% là bằng chứng rõ nhất về sự khởi sắc của tâm lý toàn thị trường. Dù vậy, sẽ là thuyết phục hơn nếu như thanh khoản có sự bùng nổ. Tổng giá trị giao dịch của HOSE chỉ đạt 20.373 tỷ đồng, trong đó có 18.028 tỷ đồng từ khớp lệnh.
Chỉ số VN-Index đóng phiên tại 1.226,11 điểm, tăng 14,61 điểm (+1,21%). Mức tăng của chỉ số xếp sau HNX-Index (+1,81%) và trên UPCoM-Index (+0,3%). Tổng giá trị giao dịch của HNX và UPCoM đạt hơn 2.700 tỷ đồng.