Đáng chú ý, giá hai mặt hàng cà phê là Robusta và Arabica lao dốc lần lượt 3,4% và 2,5% so với ngày hôm qua. Sự bùng nổ trong hoạt động xuất khẩu của các quốc gia sản xuất chính đã tạo sức ép lên thị trường. Chỉ số giá hàng hóa của cả ba nhóm hàng (trừ năng lượng) đều giảm, kéo chỉ số MXV-Index hạ 0,44%, xuống 2.259 điểm.
Sau 4 phiên tăng nóng, giá cà phê Robusta đảo chiều lao dốc
Sau khi tăng 4 phiên liên tiếp và vượt mức đỉnh lịch sử được thiết lập hồi tháng 4, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá cà phê Robusta đảo chiều giảm gần 3,4%. Cùng đó, giá cà phê Arabica diễn biến rung lắc mạnh nhưng kết phiên vẫn giảm 2,56% so với tham chiếu.
Bên cạnh áp lực kỹ thuật, sự bùng nổ trong hoạt động xuất khẩu từ các quốc gia sản xuất chính đã tạo sức ép lên thị trường.
Theo dữ liệu từ Chính phủ Brazil, trong tháng 6/2024, quốc gia này xuất đi 203.278 tấn cà phê dạng hạt, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, sản lượng cà phê của Colombia trong 6 tháng đầu năm đã tăng 16% lên 5,82 triệu bao, trong khi xuất khẩu tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 5,74 triệu bao.
Bên cạnh đó, tiến độ thu hoạch cà phê tích cực tại Brazil cũng cho thấy triển vọng bổ sung nguồn cung vụ mới ra thị trường. Theo Safras&Mercado, tính đến ngày 5/7, nông dân Brazil đã đạt 58% diện tích, cao hơn mức 52% cùng kỳ năm ngoái và mức 54% trung bình 5 năm trong giai đoạn này nhờ điều kiện thời tiết khô ráo.
Diễn biến khác trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá ca cao cũng đảo chiều giảm 0,79%, khi thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ đi xuống trong quý II tại châu Âu và châu Á do giá ở mức cao kỷ lục. Thị trường kỳ vọng sản lượng ca cao xay tại châu Âu giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Cùng với đó, sản lượng ca cao nghiền tại châu Á và Bắc Mỹ dự kiến cũng sụt giảm trong báo cáo vào tuần tới.
Nhiều mặt hàng nông sản chịu sức ép bán ngay khi mở cửa giao dịch
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường nông sản chứng kiến tất cả các mặt hàng đồng loạt giảm giá. Trong đó, giá đậu tương CBOT đi xuống hơn 1%, đánh dấu phiên thứ ba liên tiếp suy yếu. Thị trường tiếp tục chịu sức ép và đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong gần 4 năm qua. Brazil xuất khẩu nhiều hơn kỳ vọng trong tháng này là yếu tố đã thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Trong báo cáo mới phát hành, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo nước này sẽ xuất khẩu 10,29 triệu tấn đậu tương trong tháng 7, tăng so với mức 9,5 triệu tấn được đưa ra trước đó. Con số này thấp hơn so với mức 14,5 triệu tấn được ghi nhận trong tháng 6 nhưng đã vượt mức 9,9 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Việc Brazil đẩy mạnh xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục khiến nguồn cung trên thị trường dồi dào. Đây là yếu tố khiến giá đậu tương suy yếu.
Chịu áp lực bán ngay từ khi mở cửa, giá lúa mì đã giảm gần 2% vào hôm qua. Thời tiết tại Nga đã có cải thiện là yếu tố khiến thị trường chịu áp lực.
Trung tâm nghiên cứu hàng hóa của LSEG mới đây đã nâng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2024-2025 của Nga lên 82,9 triệu tấn, tăng nhẹ so với ước tính trước đó do mưa quay trở lại khu vực Ural và Siberia đã cải thiện độ ẩm đất. Điều này dự kiến sẽ giúp năng suất lúa mì vụ xuân tăng lên mức 1,97 tấn/ha, góp phần cải thiện nguồn cung. Dự báo thời tiết cho thấy lượng mưa ở Siberia sẽ cao hơn mức bình thường trong thời gian còn lại của tuần này, và các vùng trồng lúa mì xuân sẽ có khí hậu ẩm ướt. Đây là yếu tố đã đè nặng lên thị trường.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào ngày hôm qua, giá chào khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta có xu hướng giảm nhẹ. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán khô đậu tương kỳ hạn tháng 11 và 12 năm nay dao động quanh mức 11.450 đồng/kg. Trong khi đó, tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn, dao động quanh mức 11.300 đồng/kg.