Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ước tính sơ bộ cho thấy thiệt hại từ cơn bão Yagi có thể lên tới khoảng 40 nghìn tỷ đồng (1,6 tỷ USD). Bộ KH&ĐT ước tính tăng trưởng GDP có thể thấp hơn 0,15 điểm % so với dự báo trước đó là 6,8-7% cho năm 2024. Nông, lâm và ngư nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi ước tính giảm 0,33 điểm % tăng trưởng, công nghiệp và xây dựng dự báo giảm 0,05 điểm %, trong khi khu vực dịch vụ được dự báo giảm 0,22 điểm %.
Mặc dù hứng chịu thiệt hại do bão số 3 gây ra, chuyên gia Chứng khoán VNDIRECT vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 ở mức 6,5% so với cùng kỳ nhờ những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng như: các chương trình hỗ trợ dự kiến của chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại và phục hồi kinh tế sau bão; hoạt động xuất nhập khẩu tích cực hơn so với dự phóng và môi trường tín dụng toàn cầu dần nới lỏng.
Cụ thể, về chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại và phục hồi kinh tế: Chính phủ sẽ tập trung vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, đường sá, trường học và trạm xá, đồng thời hỗ trợ người dân sửa chữa và xây dựng lại nhà cửa bị hư hại do bão Yagi.
Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoạch định và thực hiện các chính sách như giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, gia hạn, hoãn các loại thuế, phí và lệ phí.
Trong khi đó, Bộ Công Thương đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ hai, hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 15,9% và 18,1% trong 8 tháng đầu năm 2024, vượt kỳ vọng của VNDIRECT.
“Với dữ liệu PMI tích cực và số lượng đơn đặt hàng sản xuất mới trong vài tháng qua, chúng tôi duy trì đánh giá khả quan đối với triển vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay.
Do đó, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm nay lên +15,2% so với cùng kỳ, tăng so với dự báo trước đó là 10-12% so với cùng kỳ và nâng dự báo tăng trưởng nhập khẩu năm nay lên +17,2% so với cùng kỳ, tăng so với dự báo trước đó của chúng tôi là 13- 15%. Hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự báo được kỳ vọng sẽ phần nào bù đắp sự suy giảm tăng trưởng do cơn bão gây ra đối với nền kinh tế”, báo cáo của VNDIRECT nêu.
Thứ ba, môi trường tín dụng toàn cầu dần nới lỏng, các ngân hàng trung ương lớn đã và đang đẩy nhanh chu kỳ cắt giảm lãi suất, điều này sẽ giúp nới lỏng môi trường tín dụng toàn cầu. NHTW châu Âu đã tiến hành 2 lần cắt giảm lãi suất chính sách kể từ tháng 6/2024 và có thể thực hiện ít nhất 1 lần cắt giảm lãi suất chính sách nữa trong năm nay.
Về việc kiểm soát lạm phát, theo chuyên gia VNDIRECT, CPI của Việt Nam đi ngang trong tháng 8 chủ yếu nhờ giá xăng dầu trong nước giảm mạnh theo đà giảm của giá dầu thế giới đã bù đắp cho mức tăng nhẹ của giá lương thực, thực phẩm và giá thuê nhà.
So với cùng kỳ, mức tăng CPI giảm mạnh xuống +3,45% so với cùng kỳ từ +4,36% so với cùng kỳ trong tháng 7, thấp hơn dự báo của VNDIRECT là 3,67%, một phần do mức nền so sánh cao của T8/23.
“Mặc dù bão Yagi khiến giá một số loại lương thực, thực phẩm tăng, đặc biệt là một số loại rau củ, chúng tôi cho rằng tác động của cơn bão đến lạm phát sẽ không đáng kể. Ngược lại, giá xăng giảm, mức nền so sánh cao cùng kỳ và chi phí nhập khẩu giảm nhờ tỷ giá hạ nhiệt đang hỗ trợ đáng kể cho việc kiểm soát lạm phát”, chuyên gia VNDIRECT nêu trong báo cáo.