Định vị thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đem lại nhiều cảm xúc lẫn lộn với nhà đầu tư. Chuỗi phiên tăng "hờ hững" đang diễn ra với phiên thứ 6 liên tiếp được ghi nhận khiến cho cả 2 cả chiều mua/bán đều đang cảm giác khá chông chênh.
Vận động này sẽ đáng chú ý hơn khi nhìn sang các chỉ số chứng khoán khu vực. Gần như toàn bộ các chỉ số tại châu Á đều giảm điểm phiên hôm nay (ngày 13/10) sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát cao hơn dự báo. Chỉ số Hang Seng (-2,45%) dẫn đầu về đà giảm, kế đến là các chỉ số KOSPI (-0,95%), SHCMP (-0,64%), NIKKEI (-0,55%), TWSE (-0,26%).
Chất xúc tác
Nỗ lực thu hẹp lại chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ở các kỳ hạn ngắn của Ngân hàng Nhà nước đã thúc đẩy hành động mạnh tay hơn ở phiên hôm qua. Cụ thể, cả quy mô và lãi suất của tín phiếu chào bán đều tăng mạnh. Đã có 19.999,9 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 0,90% so với 0,68% của phiên trước đó. Tổng cộng, NHNN hút ròng gần 20.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 185.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự thành công trong việc kiềm chế đà tăng của tỷ giá trong nước đang bị cản trở từ vận động của chỉ số DXY. Mốc 106 điểm đã được DXY dễ dàng lấy lại giúp xu hướng tăng ngắn hạn vẫn được duy trì. Tỷ giá trong nước cũng tăng dần trong các phiên gần đây, sáng nay (13/10), tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.077 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên liền trước.
Nhà đầu tư cũng tiếp tục hoạt động rút tiền khỏi thị trường với giá trị rút ròng tại HOSE đạt 276 tỷ đồng với HPG (-134 tỷ đồng), MWG (-123 tỷ đồng), FUEVFVND (-89 tỷ đồng), FPT (-59,5 tỷ đồng). Đóng góp 2 chiều của khối ngoại là 6,8%.
Vận động thị trường
Thực tế, toàn bộ thời gian giao dịch của VN-Index đi theo diễn biến chung của châu Á. Tuy nhiên, quãng thời gian cuối phiên khớp lệnh liên tục và ATC đã có những đột biến từ một vài mã lớn như VCB (+0,7%), VJC (+6,24%).
Trường hợp VJC là đáng chú ý nhất bởi toàn bộ thời gian trước đó, cổ phiếu chỉ dao động lình xình nhưng lượng tiền dồn dập đổ vào các phút cuối để kéo thị giá có lúc tăng trần.
Đây là diễn biến thỉnh thoảng xảy ra với VJC trong năm nay nên rất khó để nhà đầu tư xác nhận cổ phiếu đã có sự chuyển biến về mặt xu hướng. Tuy nhiên, về mặt hiệu quả lên VN30, VJC đã góp phần giúp chỉ số đảo chiều cuối phiên với việc tăng 0,1% lên 1.166,66 điểm.
Sự đón nhận của thị trường chung không quá rõ ràng. Các mã VCG (-0,58%), CII (-3,23%), HCM (-0,32%), VCI (-0,12%), LCG (-0,76%), VND (-0,23%), DIG (-0,42%), HSG (-0,25%), FCN (-0,32%) dù không có diễn biến tiêu cực nhưng lại góp phần khiến độ rộng lệch về phía sắc đỏ, cả HOSE có tới 50% số mã giảm giá.
Chiều tăng giá, một số cổ phiếu như PDR (+6,98%), KDH (+6,84%) đã tạo ra đột biến về giá nhờ yếu tố thông tin. Cụ thể, KDH dự kiến sẽ nhận thêm gần 1.700 tỷ đồng từ tập đoàn Keppel Land trong nửa cuối năm nay thông qua việc chuyển nhượng vốn tại một dự án. Còn PDR vừa được duyệt quy hoạch 1/500 với dự án hơn 10.800 tỷ đồng tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Cả 2 trở thành những trường hợp cá biệt ở chiều tăng bởi phần còn lại hầu hết chỉ có biên độ tăng dưới 3% như KBC (+2,78%), SZC (+2,7%), PHR (+2,83%), CTD (+2,04%), PVT (+2,4%), DXG (+2,51%).
VN-Index có phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp lên 1.154,73 điểm (+0,27%). Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt 13.955 tỷ đồng.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index quay lại với diễn biến trái chiều nhau, lần lượt tăng 0,26% và giảm 0,2%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn còn lại ở quanh mức 2.500 tỷ đồng.