CTCK Rồng Việt (VDSC) mới phát hành báo cáo chiến lược đầu tư tháng 10. VDSC dự báo, trong quý III/2023 lợi nhuận của đa phần các nhóm ngành sẽ cải thiện so với quý II/2023, xu hướng có phần tương đồng với diễn biến phục hồi của các hoạt động kinh tế và thương mại theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO).
Xét về tăng trưởng so với cùng kỳ, các nhóm ngành Dầu khí, Dược phẩm, Công nghệ được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) tích cực ở mức hai chữ số. Ở chiều ngược lại, các ngành Thủy sản, Bất động sản, Phân bón, Bán lẻ, Điện dự báo sẽ suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2022.
Nhìn chung, mặc dù tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ sẽ cải thiện so với quý trước, mức độ cải thiện vẫn sẽ khá hạn chế. Do đó, động lực cải thiện về định giá và điểm số cho thị trường là không lớn trong mùa báo cáo quý này.
Triển vọng tăng trưởng LNST khả năng cao sẽ tích cực hơn trong quý IV/2023 do cùng kỳ năm ngoái nhiều nhóm ngành có mức nền lợi nhuận thấp như Ngân hàng, Thép, Hàng tiêu dùng, Bất động sản và Chứng khoán.
“Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.100 – 1.180 điểm, tương ứng với vùng định giá P/E trong khoảng 13,2x-14,2x và tỷ suất sinh lời hàm ý là 7%-7,6%, hấp dẫn hơn tương đối so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện dưới 6%”, VDSC đề cập.
Khó có mùa công bố KQKD lạc quan trên diện rộng
Như mối quan ngại của VDSC trong tháng 9, việc các nhà đầu tư (NĐT) tổ chức (trong nước và nước ngoài, tạm gọi là NĐT chuyên nghiệp) liên tục bán ròng với tỷ lệ tham gia thị trường ở mức thấp khiến diễn biến TTCK chịu sự chi phối chủ yếu bởi tâm lý của NĐT cá nhân, vốn thường dao động mạnh đặc biệt trong những giai đoạn trống thông tin hỗ trợ. Mặc dù vậy, về mặt điểm số, mức độ điều chỉnh của chỉ số VN-Index là mạnh hơn dự báo. VDSC cho rằng cho đến khi NĐT chuyên nghiệp gia nhập trở lại, xu hướng chung của thị trường sẽ ổn định và tích cực hơn.
Sang tháng 10, VDSC cho rằng diễn biến thị trường sẽ xoay quanh các câu chuyện về ước tính KQKD quý III/2023 của các doanh nghiệp niêm yết. Khảo sát sơ bộ quan điểm của các chuyên viên phân tích ngành, VDSC nhận thấy thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố KQKD lạc quan trên diện rộng. Thay vào đó, mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Do vậy, VDSC cho rằng NĐT đón sóng KQKD quý III/2023 sẽ cần có sự chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành. Một số ý tưởng đầu tư tháng 10 mà VDSC lưu ý gồm có QNS, PVD, NKG và KDH.
Đối với ngành Ngân hàng, bức tranh lợi nhuận nhìn chung sẽ ổn định và tích cực hơn so với các nhóm ngành kinh doanh khác. Trong một dịp gặp gỡ các NHTM trong tháng 9, VDSC nhận thấy có một sự đồng thuận về quan điểm của các đại diện ngân hàng là những gì khó khăn nhất đã qua, song tốc độ phục hồi còn rất chậm và phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế.
Trong bối cảnh hiện tại, VDSC cho rằng những ngân hàng có lợi thế về vốn, tập khách hàng ít bị tổn thương bởi kinh tế suy yếu và bộ đệm dự phòng cao sẽ là những ngân hàng có khả năng chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng sớm nhất. Trong danh mục cổ phiếu ngân hàng, VDSC ưa thích VCB, BID, và CTG…