Trong tháng 01/2024, chỉ số VN-Index đã tăng 3,04% lên 1.164,31 điểm, qua đó có tháng thứ 3 liên tiếp tăng điểm.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 01/2024 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng về thanh khoản, thể hiện ở khối lượng giao dịch bình quân đạt 726,2 triệu cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 16.531 tỷ đồng/ngày, tăng lần lượt 4,60% về khối lượng và 3,58% về giá trị so với tháng 12/2023.
Tính đến hết ngày 31/01/2024, có 628 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch trên HOSE, gồm 396 mã cổ phiếu, 04 mã chứng chỉ quỹ đóng, 14 mã chứng chỉ quỹ ETF và 214 mã chứng quyền có bảo đảm.
Tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt trên 152,9 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 4,7 triệu tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2023 và chiếm gần 94% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường và tương đương 46,06% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành).
Đến hết tháng 01/2024, trên HOSE có 41 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD trong khi đó đã có thêm 1 cổ phiếu đạt quy mô vốn hóa trên 10 tỷ USD là BID bên cạnh VCB.
Mức tăng trưởng vốn hóa của VCB và BID cũng thể hiện rõ quyền lực của nhóm ngân hàng khi đã lần lượt tăng 10,21% và 9,9% trong tháng 01/2024. Các mã ngân hàng có quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD như CTG (+16,6%), MBB (+16,62%), LPB (+12,06%), OCB (+11,65%) cũng tăng rất ấn tượng với thành tích trên 10%.
Mã tăng mạnh nhất trong nhóm 1 tỷ USD chính là MBB với giá trị vốn hóa đã được nâng lên gần 4,65 tỷ USD, đứng thứ 12 trên HOSE.
Theo đánh giá của CTCK SSI, kể từ tháng 12, dòng tiền đã có xu hướng dịch chuyển sang nhóm vốn hóa lớn (VN30) dù vẫn dành sự ưu ái cho nhóm vốn hóa vừa. Ngân hàng đã vượt qua nhóm Bất động sản để trở thành động lực dẫn dắt thanh khoản trong tháng 1 vừa qua.
Khi các nhóm ngành chưa đồng thuận tăng trưởng, SSI cho rằng, dòng tiền trong thời gian qua vẫn đang trong nhịp độ xoay vòng và đảo lớp tìm kiếm cơ hội ngắn hạn hơn là việc đón nhận dòng tiền mới vào thị trường.