Trong bối cảnh cuộc đua tăng vốn của các CTCK đang nóng, VDS cũng dự kiến sẽ trình lên ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 nội dung tăng vốn điều lệ từ 2.100 tỷ đồng lên 3.240 tỷ đồng. Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 8/4, tại TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 11,5% tương đương 24,15 triệu cổ phiếu và phát hành ESOP 8,85 triệu cổ phiếu (4,21% cổ phiếu lưu hành), VDS sẽ phát hành riêng lẻ 81 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số lượng không quá 100 nhà đầu tư.
Giá chào bán không thấp hơn giá trị thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị sổ sách của VDS tại thời điểm gần nhất. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối nhà đầu tư chiến lược và 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Năm 2024, VDS đặt mục tiêu doanh thu 983 tỷ đồng, tăng 18,3% so với thực hiện năm 2023 trong đó môi giới tăng trưởng 6% lên 265 tỷ đồng. Mảng dịch vụ chứng khoán mục tiêu 418 tỷ đồng, tăng 25,6%. Còn mảng Đầu tư sẽ đóng góp doanh thu 200 tỷ đồng, tăng 20,9%.
Dù vậy, kế hoạch lợi nhuận sau thuế của VDS là rất thận trọng với việc dự kiến giảm 13% xuống 288 tỷ đồng.
Trong năm 2023, tổng doanh thu hoàn thành 93,4% kế hoạch, đạt 890 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 330 tỷ đồng, vượt kế hoạch 52,4%.
Ban lãnh đạo cũng đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực nhờ vào kinh tế vĩ mô được kỳ vọng sẽ phục hồi đà tăng trưởng, môi trường lãi suất thấp, triển vọng nâng hạng thị trường và hệ thống KRX đưa vào vận hành. Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro ngắn hạn do các hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế Việt Nam và những biến động khó dự báo của kinh tế thế giới.
VDS dự báo VN-Index dao động trong khoảng từ 1.080-1.380 điểm, mức thanh khoản bình quân sẽ dao động từ 18.000-20.000 tỷ đồng/phiên.