Ông Julien Brun, Giám đốc điều hành Công ty CEL, là người có 20 năm kinh nghiệm làm trong ngành logistics, chuỗi cung ứng, đã ở Việt Nam 18 năm, chia sẻ tham luận xu hướng logistics toàn cầu và hướng đi cho Việt Nam tại Hội nghị Logistics Việt Nam chủ đề "Con đường phía trước" do báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 5/10 tại TP. Hồ Chí Minh.
Cần nâng cao khái niệm “Made in Vietnam”
Ông Julien Brun đánh giá, chuỗi cung ứng logistics là xương sống của nền kinh tế, không nền kinh tế nào tồn tại nếu không có chuỗi cung ứng. Nhưng nếu không có cầu thì không có cung, cần hiểu nhu cầu đang định hình, tiến hóa ra sao, thì mới biết chuỗi cung ứng nên thích ứng ra sao.
Về nhu cầu xuất khẩu, các đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nền kinh tế này hiện đang không quá tốt. Mỹ có thể có biến chuyển trong việc xem xét vai trò của các đối tác thương mại, EU trải qua thời kỳ khó khăn, lạm phát; với Trung Quốc, đây cũng là thời điểm khó khăn cho nền kinh tế của họ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang chậm lại.
“Tình hình của các đối tác này không tươi sáng lắm. Đối với Việt Nam, trong năm qua, xuất khẩu Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, do ảnh hưởng từ đại dịch, áp lực lạm phát và căng thẳng địa chính trị trên thế giới nên chưa thấy được sự tăng trưởng, phục hồi mạnh mẽ như mong muốn. Tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, nguyên nhân chính là lạm phát dù kiểm soát được nhưng cũng giới hạn tăng trưởng kinh tế, giảm nhu cầu trong nền kinh tế, nên tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp trở ngại”, Giám đốc điều hành Công ty CEL đề cập.
Về chuỗi cung ứng toàn cầu, trước đây chủ yếu phụ thuộc đối tác thương mại chính yếu Trung Quốc thì hiện giờ đa dạng hơn, trước đó là cắt giảm chi phí, giờ cần yêu cầu an toàn nhất có thể. Chuỗi cung ứng đang chuyển sang khu vực hóa thay vì toàn cầu hóa như trước. Đây là điều cần nhận thức mạnh mẽ, vì Việt Nam cũng trong chuỗi cung ứng này, dĩ nhiên sẽ có cơ hội và thử thách.
Ông Julien Brun nêu, đối diện khủng hoảng COVID-19, lạm phát, hầu hết các quốc gia đang hướng đến giảm rủi ro, khi thiếu container chuyển hàng tới Mỹ không kinh doanh được, thiếu chip thì không sản xuất được xe để bán… Nhiều công ty đa quốc gia phải tập trung giảm rủi ro, họ cần nhiều nhà cung ứng hơn, đa dạng các thị trường hơn, thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc, xu hướng này đã diễn ra 4 năm qua và vẫn đang tăng trưởng nhanh, mạnh.
Theo đó, ông Julien Brun nhận định, đa dạng hóa nhà cung ứng, nhà cung cấp là tương lai của logistics. Trung Quốc đang mất dần hiệu quả trong chuỗi cung ứng, ước tính FDI Trung Quốc các năm tới giảm nhẹ. Xu hướng đa dạng hóa mang lại giá trị tích cực và Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi, và cần phải nhanh chóng bắt kịp để tận dụng cơ hội tốt hơn.
Chuyên gia nêu, Trung Quốc+1 là khái niệm được nghe đầu tiên vào năm 2013, hiện giờ đã được nghe nhiều hơn và không còn là +1, mà ít nhất là +2, vì đối mặt với khá nhiều cạnh tranh, lớn nhất chính là Ấn Độ - họ nghiêm túc đẩy mạnh, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế. Trong khi một số quốc gia không đáp ứng được nhu cầu vì năng lực, Ấn Độ rất quyết liệt thu hút FDI, thiết lập nhiều nhà máy. Chẳng hạn, danh mục Apple trước đó ở Trung Quốc nhiều, còn giờ Ấn Độ thu hút rất nhiều nhà sản xuất.
Giám đốc điều hành Công ty CEL đánh giá, Việt Nam có năng lực cạnh tranh tương đối cao.
“Tại Việt Nam hiệu quả hơn 4% về chi phí so với Ấn Độ, dù tốt nhưng chưa đủ. Tôi nhấn mạnh rằng, Việt Nam có kế hoạch tuyệt vời, nhất là tham gia các Hiệp định thương mại tự do FTA, nhận nhiều ưu đãi, nhưng khi so sánh với Ấn Độ như cơ sở hạ tầng, thì có sự ngang bằng, do họ rót khá nhiều ngân sách cho cơ sở hạ tầng”, chuyên gia nêu.
Và theo ông Julien Brun, điểm quyết định chính là chi phí nhân công ngang bằng nhau, hiệu suất cũng vậy, nhưng thách thức lớn là lực lượng lao động lên tới nửa tỷ người Ấn Độ sẵn sàng làm việc, còn Việt Nam chỉ mới 50 triệu người, nên cần phải đẩy năng suất lao động để bù đắp về quy mô. Việt Nam cần nâng cao mức độ chuyên nghiệp của lực lượng lao động.
Về khu vực hóa, cần lưu tâm khái niệm giảm thời gian giao hàng từ Việt Nam tới các thị trường xuất khẩu, như tới EU là 30 ngày, trong khi một số thị trường mất 2 tuần sang EU. Cần nâng cao khái niệm “made in Vietnam”, thu hút nhiều nhà sản xuất về Việt Nam hơn…
“Hiệu quả chi phí không thôi chưa đủ, giảm thiểu chi phí đã qua, phải qua chương mới là nhanh, an toàn, đáng tin cậy và sạch hơn. Nhiều thị trường xuất khẩu sẽ yêu cầu sản phẩm sản xuất tại Việt Nam là sạch, dùng năng lượng sạch có tác động tối thiểu lên môi trường. Trong tương lai đây là yếu tố rất lớn”, ông Julien Brun đánh giá.
3 yếu tố logistics thế hệ mới cần lưu ý
Đối với riêng Việt Nam, chuyên gia CEL cho rằng, chúng ta có nhu cầu xuất khẩu và cung ứng, một số doanh nghiệp tập trung nhu cầu nội địa, có công ty tập trung xuất khẩu – đây là 2 chuỗi cung ứng khác nhau.
Việt Nam đối mặt với nhiều sự gián đoạn và có nhiều khủng hoảng trong vài năm qua do COVID, việc hồi phục sau phong tỏa cũng là lúc lạm phát tác động tới người dân. Tiêu dùng đang không cao như trước đây, dù có hồi phục nhẹ, các quốc gia đang băn khoăn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo 6-12 tháng. Nếu vận hành công ty logistics tại Việt Nam thì chi phí phân phối khá cao, khoảng 15% trung bình tùy ngành nghề, cao hơn Thái Lan rất nhiều nhờ mạng lưới logistics và cung cấp dịch vụ hiệu quả, kết nối tốt hơn.
“Tôi nhấn mạnh rằng, nhiều công ty phát triển, nhưng khi tăng trưởng quá nhanh thì không có thời gian để nhìn lại cách nên làm, hướng nên đi… Có quá nhiều lớp lang phức tạp thay vì giữ vận hành cốt lõi, tinh gọn”, ông Julien Brun cho biết.
Vị này lấy một ví dụ công ty mà ông có làm việc cùng, họ có nhiều nhà máy nhỏ, nhà kho, mạng lưới kinh doanh rất phức tạp, nhưng khi phức tạp nâng cao thì sự thiếu hiệu quả cũng nâng cao. Chẳng hạn, xe đi từ TP.HCM ra Hà Nội rồi phải vòng về Đà Nẵng vì chỉ có 1 xe đó, trong đó có một nửa quãng đường xe chạy trống, rất tốn chi phí. Chuyên gia cho rằng, nếu hệ thống cồng kềnh, không hiệu quả, hãy đơn giản hóa trước rồi đầu tư, lúc đó mới hiệu quả, và nên đầu tư vào các hướng chiến lược khác.
Theo đó, ông Julien Brun nêu ra 3 nội dung mà ngành logistics thế hệ mới cần lưu ý.
Thứ nhất, chuyên biệt hóa. Chúng ta thấy các công ty logistics vận hành nhà kho lớn, xe tải chở hàng sản phẩm chuyên biệt như vắc xin,… Ngành hàng khác nhau thì logistics có đặc thù chuyên biệt, có yêu cầu khác nhau. Thực tế, các bên cung cấp dịch vụ logistics chung chung, làm tất cả mọi thứ nên thường không có gì tốt cả. Nên cần hợp nhất và chuyên biệt hóa. Có nhiều công ty logistics chuyên biệt về dược phẩm, thực phẩm, chuỗi cung ứng mạnh, hay chuyên biệt về thương mại điện tử… tập trung cho từng ngành nghề, càng chuyên biệt hóa càng hiệu quả hơn.
Thứ hai là bền vững, đi chung với năng lượng, nhiên liệu. Điện mặt trời là sáng kiến lớn, dù tốn khoản đầu tư lớn nhưng phù hợp với xu hướng.
Thứ ba là kỹ thuật số. Chuyên gia nhấn mạnh không quá tập trung khái niệm hoa mỹ như trí tuệ nhân tạo, hãy tập trung cốt lõi và nền tảng. Đơn giản như bảng excel giờ đã không dùng nữa, ra toàn cầu phải chuyển sang phần mềm đám mây nghe đơn giản nhưng nó chính là nền tảng. Cũng cần hệ thống tích hợp. Nếu không điều chỉnh các giá trị nền tảng, thì không có AI nào giúp chúng ta hiệu quả hơn…