Định vị thị trường
Vận động của thị trường đang gây ra sự ức chế trong nhiều tuần trở lại đây. Với các tuần tăng/giảm đan xen, VN-Index vẫn chỉ quanh quẩn quanh mốc 1.100 điểm với xu hướng chưa được xác định.
Nhà đầu tư trong nước đang có sự so sánh với việc chỉ số Dow Jones của Mỹ vừa lập đỉnh mới dù quan điểm đưa ra mang nhiều tính chất cảm xúc. Thực tế, nếu nhìn theo các thị trường phát triển hơn Việt Nam tại khu vực châu Á, những đánh giá mang tính cảm xúc này cũng không hoàn toàn bất hợp lý. Các chỉ số NIKKEI 225, TWSE đều có thành tích tăng giá hơn 20% từ đầu năm trong đó NIKKEI 225 đã tăng tới 27,35%.
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc dù đã có thời điểm bị VN-Index "vượt mặt" nhưng hiện vẫn đang có thành tích tốt hơn. Cụ thể, sau phiên hôm nay, VN-Index tăng 11,09% từ đầu năm còn KOSPI tăng 12,46%.
Dù đã đóng cửa trên đường MA200, chỉ số cần có nỗ lực bứt phá mạnh hơn. Theo thống kê, giai đoạn chỉ số VN-Index giao dịch trên MA200 từ tháng 6 tới tháng 10 năm nay, luôn có hơn 65% số mã đạt có xu hướng tăng dài hạn. Dù thị trường đã có một phiên đầu tuần đầy hứng khởi, tỷ lệ các mã có xu hướng tăng dài hạn đạt chưa tới 54%.
Chất xúc tác
Thanh khoản trong 5 phiên gần nhất của HOSE đã sụt giảm dưới mức bình quân 20 phiên. Nếu các chuyển động này vẫn tiếp diễn thì chỉ khiến thị trường mất đi sự hấp dẫn. Điều này đã được chặn đứng với lượng tiền đổ vào mạnh mẽ trong ngày đầu tuần, đạt 22,27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,03 tỷ đơn vị khớp lệnh, vượt trên quy mô bình quân 20 phiên gần 35%.
Những biến số gây lo lắng cho nhà đầu tư nội như tỷ giá, hoạt động thị trường mở đều đã quay trở lại thuận lợi với thị trường chứng khoán. Quy mô tín phiếu lưu hành đã được thu hẹp chỉ còn gần 15 nghìn tỷ đồng.
Tuần vừa qua là tuần bơm ròng thứ 4 liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước vào hệ thống. Mức lãi suất liên ngân hàng trong những ngày đầu của tháng 12/2023 có sự duy trì ổn định, kỳ hạn qua đêm giữ tại 0,2% trong khi kỳ hạn 1 tháng là 1,05%.
Với dòng tiền hứng khởi, khối nội đóng góp tới 95,2% tổng giao dịch của HOSE. Khối ngoại dù có một phiên bán ròng 581 tỷ đồng nhưng 2 chiều mua/bán chỉ chiếm 4,8%.
Các mã bị khối ngoại bán ra nhiều nhất là VHM, SSI, FUEVFVND, VND.
Vận động thị trường
Với thanh khoản vọt lên sau 5 phiên giao dịch gây "nhàm chán", trạng thái của VN-Index có sự khác biệt đáng kể. Từ đầu phiên, chỉ số đã có những động thái tăng điểm và liên tục cải thiện điểm số. Chốt phiên, chỉ số tăng 18,33 điểm (+1,66%) lên 1.120,49 điểm.
Nhóm Chứng khoán là một trong những nhóm ngành nhạy nhất và bắt nhịp sớm nhất. 3 cổ phiếu có quy mô giao dịch tốt nhất đều là những cổ phiếu Chứng khoán: SSI, VND, VIX đều đạt trên 1.200 tỷ đồng. Cả 3 đã tăng lần lượt 5%, 6,32% và 6,59% qua đó kéo theo các mã trong ngành như BSI (+5,8%), CTS (+3,8%), AGR (+6,4%), HCM (+5,1%), ORS (+4,2%).
Khi có dòng tiền được kích hoạt, hiện tượng "phá kén" cũng dễ dàng xuất hiện ở nhiều nhóm khác như Bất động sản, Thép, Đầu tư công với các mã như DXG (+4,03%), NKG (+4,15%), LCG (+4,65%), TCH (+4,51%), VCG (+6,83%), GEX (+6,88%), HHV (+5,8%), CII (+4,03%)…
Điểm chung của các cổ phiếu kể trên đều là phải chịu đựng sự ức chế tâm lý trong vài tuần trở lại đây nên khi có dòng tiền tham gia, các phản ứng mạnh là điều có thể hiểu được.
Dù vậy, thị trường không có sự lan tỏa đều trong nhiều phiên. Các vận động của các nhóm cổ phiếu trong các phiên tới có thể sẽ đi theo hướng luân chuyển với các nhịp tăng đan xen của các nhóm ngành.
Dù sao, kết quả giao dịch của phiên đầu tuần cũng đã có sự khởi sắc đáng kể với việc VN-Index đóng cửa trên MA200. Nếu hiện tượng luân chuyển xuất hiện diễn ra sẽ là một tín hiệu tốt để VN-Index duy trì được xu hướng tăng điểm.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng có thể xem là những "cổ phiếu" chịu ảnh hưởng từ VN-Index. Khi được cởi trói, cả 2 đều tăng điểm khá tốt, lần lượt tăng 2,23% và 0,92%. Các mã tiêu biểu nhất 2 sàn là SHS (+6,52%), CEO (+5,09%), HUT (+4,62%), VGS (+5,32%), TCI (+10,4%), SBS (+5,48%).